Dự kiến, sáng 2/3, tất cả học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sẽ quay lại trường học sau gần 4 tuần nghỉ học vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona. Bên cạnh việc dọn dẹp, sát trùng phòng học, bàn ghế, trường THPT Trường Chinh (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) còn gấp rút hoàn thành hàng chục bình dung dịch sát khuẩn, phục vụ việc rửa tay cho gần 1.000 học sinh trong trường.
Điều đặc biệt, tác giả của sản phẩm này chính là hai nữ sinh của trường THPT Trường Chinh, nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, tận dụng những bụi sả chanh mọc dại trong khuôn viên nhà trường. Đây cũng là kết quả của quá trình đưa nghiên cứu khoa học vào thực tiễn của nhóm học sinh này.
Em Phan Bùi Hà Phương, học sinh lớp 11C1 cho biết, từ đầu năm học, Phương cùng một bạn trong lớp đã có ý tưởng thực hiện một sản phẩm có tác dụng sát khuẩn từ cây sả chanh. Sau khi trình bày ý tưởng với cô Nghiêm Thị Mai Trang, giáo viên Hóa học của trường, cả nhóm đã thống nhất làm nước rửa tay khô từ loại tinh dầu này.
Ba cô trò thu gom sả chanh mọc xung quanh trường và trồng thêm tại một địa điểm nữa, sau đó gửi xuống một công ty tại Đồng Nai, chiết xuất được hơn 20 lít tinh dầu nguyên chất, đồng thời bắt tay vào chế dung dịch sát khuẩn từ loại cây này.
Hà Phương cho biết, sả chanh có mùi thơm hương chanh, thân màu tím. Loài cây này chỉ mọc hoang chứ không được ai trồng trong vườn vì không ăn được. Sau khi cắt sả chanh về, nhóm sẽ rửa sạch, cắt nhỏ, để héo khoảng 2 ngày rồi mới đem đi chưng cất. Tinh dầu sả chanh có màu vàng nhạt, thơm nhưng không nồng và có tính sát khuẩn cao.
Từ những kiến thức hóa học đã học được trên lớp cùng với tham khảo thêm một số video hướng dẫn làm dung dịch rửa tay, nhóm đã pha chế thành công dung dịch có tính sát khuẩn.
Chia sẻ thêm về quá trình thực hiện, Trần Thị Hồng Trâm, học sinh lớp 11C1 cho biết: "Để có dung dịch sát khuẩn, chúng em phải mất 5-6 tiếng đồng hồ để chưng cất lấy tinh dầu từ sả chanh và cây bạc hà. Sau đó pha với cồn 70 độ, nước cất và laurin (laurin là một hợp chất có tác dụng làm mềm mịn da)."
Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của nhóm tác giả, ban đầu cả ba cô trò chỉ định xây dựng đề tài, làm thử nghiệm một vài sản phẩm để đi dự thi cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng của tỉnh Đắk Nông vào tháng 6 này. Thế nhưng, khi vừa ăn Tết xong, dịch corona bùng phát, nhóm đã xin ý kiến nhà trường, phát triển thành sản phẩm hoàn thiện, có tính ứng dụng cao, tạo ra sản phẩm sát khuẩn phục vụ cho cả trường.
“Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, chỉ cần rửa tay bằng cồn 70 độ là đã tiêu diệt được virus corona. Tuy nhiên, cồn 70 độ lại bay hơi nhanh, thời gian sát khuẩn không dài nên nhóm đã kết hợp với tinh dầu sả chanh và bạc hà để sản phẩm xịt rửa tay có tác dụng lâu hơn. Trong đó, trong tinh dầu sả chanh có hai hợp chất hóa học là Citral A và Citral B, tinh dầu bạc hà có Methol, có khả năng sát khuẩn lại có mùi thơm đặc trưng, dễ chịu”, cô Nghiêm Thị Mai Trang, giáo viên hướng dẫn đề tài thông tin thêm.
Qua quá trình thử nghiệm, cả ba cô trò tiến hành pha chế dung dịch xịt rửa tay khô hoàn toàn theo hướng dẫn của WHO và Bộ Y tế nên an toàn cho người sử dụng. Cô trò nhận thấy, dung dịch sát khuẩn từ tinh dầu sả chanh, bạc hà đảm bảo công dụng sát khuẩn trong một thời gian nhất định, đồng thời lưu giữ mùi hương thiên nhiên đặc trưng, không gây kích ứng trên da người sử dụng.
Sau khi được sự giúp đỡ từ Ban giám hiệu nhà trường, cả nhóm đã pha chế dung dịch sát khuẩn với số lượng lớn, đồng thời đóng chai, sử dụng dưới dạng bình xịt, vừa có độ phân tán, vừa tiết kiệm. Trong tuần tới, nhóm sẽ phát miễn phí cho mỗi lớp học 4 bình để sử dụng. Theo tính toán, một bình chứa 200ml dung dịch sát khuẩn này có thể sử dụng cho 200 học sinh.
Thầy Phan Văn Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh cho biết, tập thể ban giám hiệu nhà trường đánh giá rất cao tính ứng dụng của đề tài dung dịch sát khuẩn từ cây sả chanh của hai học sinh. Trước tình trạng dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp tại một số địa phương, sản phẩm nước rửa tay trên thị trường khan hiếm thì sản phẩm nước xịt tay sát khuẩn này rất có ý nghĩa, góp phần tăng cường công tác phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.