Trước tình hình bệnh tay chân miệng có diễn biến ngày càng phức tạp tại các cơ sở giáo dục mầm non, Sở Y tế, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk phối hợp triển khai nhiều giải pháp phòng bệnh.
Phát huy vai trò phối hợp với gia đình
Tính đến ngày 16/4, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 192 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở huyện Ea Súp với 41 trường hợp, TP Buôn Ma Thuột với 36 trường hợp, huyện Krông Pắc 35 trường hợp…
Theo thống kê, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là trẻ em đang học ở các cơ sở giáo dục mầm non.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo ngành y tế phối hợp ngành GD-ĐT triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo cho trẻ được học tập trong môi trường an toàn.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, những ngày qua, tại các trường học mầm non trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk triển khai đồng bộ, thường xuyên công tác vệ sinh phòng học, bếp ăn, đồ dùng bán trú của trẻ.
Cùng với đó, các nhà trường tăng cường giáo dục, rèn cho trẻ kĩ năng thực hành vệ sinh cá nhân, tự phục vụ, tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.
Tại Trường Mầm non Hoa Lan (xã Ya Lốp, huyện Ea Súp), những bảng tin khuyến cáo các dịch bệnh truyền nhiễm thường gặp và cách phòng tránh được đặt ở vị trí dễ quan sát giữa sân trường. Việc này giúp phụ huynh dễ theo dõi, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.
Bà Vi Thị Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay sau khi phát hiện tình trạng bệnh của trẻ, cô giáo đã chủ động thông báo cho Trạm Y tế xã. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh theo dõi, chăm sóc trẻ. Nhà trường cũng tổ chức phun thuốc khử trùng khuôn viên sân trường, các khu vực vui chơi của trẻ.
“Hiện nay những đồ chơi, đồ dùng của các cháu, sàn nhà, cửa, những bề mặt thường xuyên tiếp xúc đều được lau rửa sạch sẽ bằng xà phòng và nước khử trùng CloraminB. Với sự chủ động, kịp thời phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường và ngành y tế, đến nay tình hình bệnh đã tạm thời ổn định, trẻ mắc bệnh đã hồi phục sức khỏe và không có biến chứng nặng”, bà Xuân nói.
Tại Trường Mầm non 10/3 TP Buôn Ma Thuột, công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng bệnh truyền nhiễm được triển khai thường xuyên. Từ sân trường đến các lớp học đều được niêm yết thông tin đầy đủ, rõ ràng.
Theo bà Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường, qua nhóm Zalo của lớp, giáo viên thông báo cập nhật tình hình bệnh, cách phòng tránh, phối hợp điều trị… được triển khai hằng ngày.
“Dù chưa có ca nhiễm mới, nhưng chúng tôi luôn tập trung cho công tác truyên truyền để cùng phụ huynh bảo đảm môi trường an toàn cho trẻ trước, trong và sau khi đến trường”, bà Yến nhấn mạnh.
Giáo viên mầm non hướng dẫn học sinh vệ sinh cá nhân. Ảnh: TT |
Công tác vệ sinh lớp học được thực hiện thường xuyên. Ảnh: TT |
Nâng cao hiểu biết về bệnh
Theo bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, sở đã chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành y tế phối hợp với các nhà trường thực hiện điều tra dịch tễ các ca bệnh, phun hóa chất tiêu độc khử trùng và vệ sinh lớp học, đồ chơi của trẻ.
Cùng với đó, tiến hành khám sàng lọc, phân loại ca bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng và điều trị, hướng dẫn cách ly, theo dõi điều trị các trường hợp mắc bệnh tại nhà…
“Bệnh tay chân miệng do virus đường ruột gây bệnh, lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết có chứa virus gây bệnh. Một trong các chủng gây bệnh là EV71 có thể gây các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp.
Ngành y tế Đắk Lắk nhận định, trong thời gian tới bệnh tay chân miệng vẫn còn diễn biến phức tạp. Mầm bệnh đang còn tiềm ẩn trong cộng đồng nên người dân và ngành chuyên môn không chủ quan mà tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh”, bác sĩ Nay Phi La nói.
Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk nhấn mạnh, hiện nay thời tiết ở Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đang bước vào thời điểm nắng nóng gay gắt, nhiều diễn biến bất thường khiến cho bệnh tay chân miệng ít có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng thêm nhiều dịch bệnh mùa Hè khác cùng tấn công vào các nhóm trẻ nhỏ.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT tại địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch tay chân miệng tại trạm y tế.
Yêu cầu các trạm y tế hướng dẫn các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ… trên địa bàn xã, phường, thị trấn biết và thường xuyên thực hiện biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, đặc biệt là vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục”, bác sĩ Nay Phi La nhấn mạnh.
Còn theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk (CDC) cho biết, đang tích cực phối hợp các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và các Trạm Y tế xã, phường tích cực, chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng.
Tổ chức khoanh vùng, cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lan rộng. Đồng thời, tuyên truyền các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ để phòng chống bệnh tay chân miệng.
“Chúng tôi đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về phác đồ cấp cứu và điều trị tay chân miệng. Tổ chức tốt việc thu dung, sàng lọc, cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, cố gắng không để xảy ra tử vong do dịch bệnh tay chân miệng”, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk thông tin.