Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Hầu hết trường hợp mắc bệnh đều nhẹ và có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Song, trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo BSCKII Dương Quốc Bảo, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức nếu trẻ mắc tay chân miệng có bất kỳ dấu hiệu bất thường.
Đơn cử, sốt cao trên 39 độ C kéo dài liên tục trong hơn 48 giờ là một dấu hiệu đáng báo động. Sốt cao có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như co giật, hôn mê hoặc tổn thương não nếu không được kiểm soát kịp thời.
Ngoài ra, các triệu chứng về thần kinh như giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần, run chi, yếu chi, đi đứng loạng choạng, đảo mắt bất thường, quấy khóc, dỗ không nín, co giật có thể là dấu hiệu của viêm não hoặc viêm màng não. Đây là một biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Khó thở hoặc thở mệt là một dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể bị phù phổi cấp - một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tay chân miệng. Trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay để được hỗ trợ hô hấp và điều trị kịp thời.
Nếu trẻ nôn ói liên tục, đặc biệt là nôn ra máu, đó có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước nghiêm trọng hoặc viêm dạ dày ruột do virus gây ra. Trẻ cần được bù nước và điện giải kịp thời để tránh nguy cơ suy kiệt.
Những dấu hiệu tim đập nhanh, da nổi vằn có thể là biểu hiện của viêm cơ tim. Đây là một biến chứng hiếm gặp, nhưng rất nguy hiểm của bệnh tay chân miệng. Trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay để được điều trị và theo dõi chặt chẽ.
Khi trẻ bị mất nước nặng do không thể ăn uống vì đau đớn từ các vết loét miệng, cha mẹ cần đưa con nhập viện để được truyền dịch và bù nước kịp thời. Tình trạng mất nước nặng có thể dẫn đến suy kiệt và nguy hiểm tính mạng nếu không được xử lý đúng cách.
Nếu trẻ không có bất kỳ dấu hiệu nặng nào, cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, đặc biệt là nhiệt độ cơ thể và tình trạng nước tiểu. Cho trẻ uống nhiều nước và chất lỏng để tránh mất nước. Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ.