Đại úy Công an "4 cùng” dự Đại hội Thi đua yêu nước

GD&TĐ -Trong các đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX, không ít người ấn tượng với Đại uý Sằn A Phật - Phó Đội trưởng Đội An ninh - Công an huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) với tinh thần "4 cùng": Cùng làm, cùng ở, cùng ăn và cùng nói tiếng dân tộc.

 Đại uý Sằn A Phật - Phó Đội trưởng Đội An ninh - Công an huyện Tiên Yên (Quảng Ninh).
Đại uý Sằn A Phật - Phó Đội trưởng Đội An ninh - Công an huyện Tiên Yên (Quảng Ninh).

Đại úy Công an kiêm cán bộ dân số

Đại úy Sằn A Phật công tác trong điều kiện đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, những hủ tục lạc hậu, tình hình an ninh trật tự trong vùng còn phức tạp. Huyện Tiên Yên có đến 9 dân tộc thiểu số cùng sinh sống rác rác ở các bản khiến công tác quản lý trật tự gặp nhiều khó khăn.

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh, luôn trăn trở làm sao để có thể góp phần xây dựng quê hương, anh Phật đã không ngần ngại từ chối những công việc tốt, điều kiện thuận lợi hơn để về công tác tại huyện.

Biết tình hình kinh tế - xã hội và thấu hiểu đời sống của nhân dân trong vùng - một huyện còn nghèo nhưng nhiều dân tộc chung sống, bất đồng ngôn ngữ khiến cho công việc gặp khó khăn. Thậm chí, còn tạo sự xa cách với nhân dân. Không ngại khó, anh Phật đã học tiếng dân tộc để gần gũi với bà con hơn. Cho đến nay, anh Phật đã nói thông thạo 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số là: Tày, Hoa, Sán Chỉ và Dao.

Nhưng cái khó của Đại úy Phật không phải là ngôn ngữ mà là những hủ tục lạc hậu, những phong tục từ lâu đời ăn sâu vào nhân dân khiến anh và các đồng đội rất vất vả trong công tác quản lý, vận động, giúp đỡ.

Đặc biệt nhất, đó là hủ tục “bán vợ”. Khi lấy vợ về rồi không thích, có thể “bán” cho người khác bằng hình thức “thách cưới”. Những chuyện sinh đẻ có kế hoạch, hôn nhân chung thủy một vợ một chồng vẫn còn là “mớ lý thuyết xám xịt” đối với bà con nơi đây.

Vận dụng ngôn ngữ đã học được, Đại úy Phật đã hàng ngày gần gũi, giảng giải giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của hạnh phúc gia đình, chăm sóc con cái. Nhiều lúc, anh cảm thấy mình như một…cán bộ dân số.

Bầu bí chung giàn!

Không chỉ giúp đỡ bà con, Đại úy Phật còn quan tâm và rất thương các em học sinh nơi đây khi phải chịu nhiều thiệt thòi. Anh khuyên bảo, động viên các em nhỏ đi học đầy đủ, nuôi dưỡng những ước mơ và đặt ra mục tiêu học tập cho bản thân. Anh Phật đã giúp các em học sinh nhận ra, mình phải được học, để làm một nghề gì đó mà mình yêu thích,…

Nhiều em còn quyết tâm: Sẽ học tốt để được mặc bộ quân phục công an giống như Đại úy Phật. Như trường hợp của anh Nình A Lộc đã định bỏ học, nhưng nhờ sự động viên của Đại úy Phật, anh Nình đã học hết lớp 12, sau đó tiếp tục học Đại học hệ đào tạo từ xa và nay đã trở thành Phó chủ tịch xã Đại Dực.

Nhờ gần gũi với nhân dân, dạy các cháu nhỏ học bài, giúp người dân làm nương rẫy… anh A Phật đã tạo được niềm tin trong nhân dân và nhận được sự giúp đỡ , tạo tình cảm gắn bó “quân với dân như cá với nước”.

Năm 2013, anh A Phật phát hiện được một đường dây dẫn người địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Sau một thời gian triển khai các biện pháp nghiệp vụ, anh cùng công an huyện Tiên Yên đã tổ chức vây bắt gọn đường dây, gồm 50 người đều là người dân tộc thiểu số ( Dao, Sán Chỉ, Tày) đang trên đường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê.

Gặt hái được nhiều thành tích nhưng Đại úy Phật khiêm tốn: “Đó là những trách nhiệm mà người chiến sĩ công an phải làm, và cần làm cho tốt.

Không chỉ riêng tôi mà đồng đội của tôi ở khắp các địa bàn khó khăn của Tổ quốc vẫn đang miệt mài bám bản, bám biển, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, cùng nói tiếng không phải của dân tộc mình nhưng của Tổ quốc mình để góp phần xây dựng từng địa phương phát triển kinh tế, ổn định an ninh – chính trị”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ