Đại tá Mỹ nêu tình thế tuyệt vọng của Quân đội Ukraine

GD&TĐ - Cựu cố vấn Lầu Năm Góc cho rằng, việc các kho vũ khí châu Âu trống rỗng sẽ khiến Ukraine lâm vào tình trạng tuyệt vọng bởi thiếu nguồn bổ sung.

Đại tá Mỹ nêu tình thế tuyệt vọng của Quân đội Ukraine

Tờ Financial Times (FT) của Anh mới đây có bài viết nhận định rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm trống rỗng các kho vũ khí của châu Âu, bộ trưởng quốc phòng nhiều nước được báo báo rằng thực tế không còn gì trong kho, thậm chí cả “các bãi rác vũ khí” đều trống rỗng.

Một năm chiến tranh ở Ukraine quả thực đã tàn phá các kho vũ khí châu Âu. Tại nhiều nước, các tướng lĩnh thông báo với các bộ trưởng quốc phòng rằng gần như không còn loại vũ khí gì. Các kho vũ khí dự trữ và thậm chí là cả những “nghĩa địa vũ khí” cũng trống trơn.

FT bình luận, trong bối cảnh tình hình như vậy, các bộ trưởng quốc phòng phương Tây, những người gặp nhau tại trụ sở NATO vào tuần này và sẽ tham gia Hội nghị An ninh Munich đều rất lo lắng, bởi họ không biết có thể duy trì hỗ trợ cho Ukraine trong bao lâu nữa và bằng cách nào.

Các nước NATO ở Đông Âu đã hết những thiết bị của Liên Xô mà quân đội Ukraine biết cách sử dụng.

Quyết định cung cấp vũ khí mới do phương Tây sản xuất rất phô trương, nhưng sau đó bị trì hoãn hàng tuần và hàng tháng, vì các nước này hiểu khối lượng họ cần bảo trì nhiều như thế nào.

Cùng với đó là việc cần phải huấn luyện binh sĩ Ukraine vận hành vũ khí và đào tạo những nhân viên kỹ thuật biết cách bảo dưỡng, khắc phục những hỏng hóc nhỏ của vũ khí trang bị.

Số lượng vũ khí sử dụng ngoài sức tưởng tượng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine gây áp lực rất lớn đối với nền công nghiệp quốc phòng thiếu sự chuẩn bị của các nước NATO châu Âu.

Các nhà máy chế tạo phương Tây vũ khí hầu như không thể sản xuất đủ đạn pháo để đáp ứng nhu cầu hàng tuần của Kiev. Giờ đây, thời gian chờ đợi một số loại đạn đã tăng hơn gấp đôi.

Financial Times lưu ý rằng, vấn đề là ở chỗ, cuộc xung đột diễn ra giữa Nga với Ukraine. Trong khi nền “kinh tế thời chiến” của Nga đã diễn ra ít nhất một năm thì Ukraine không còn khả năng sản xuất vũ khí, còn châu Âu mới bắt đầu bước vào hình thức kinh tế này, mà nó cũng chỉ là nửa vời, bởi dù sao, đó cũng không phải là cuộc xung đột của họ.

Ngay cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã phải thừa nhận thực tế là cuộc xung đột Nga-Ukraine cần số lượng lớn đạn dược vượt quá sự tưởng tượng của họ và khả năng sản xuất của các nhà máy. Nó đã làm sự cạn kiệt nguồn dự trữ của các nước thuộc khối này.

Nhận định về điều này, Đại tá Hoa Kỳ về hưu là ông Douglas McGregor cho biết trong cuộc phỏng vấn với kênh YouTube Judging Freedom rằng, những thừa nhận của giới quan chức NATO cho thấy tình hình tuyệt vọng của Lực lượng Vũ trang Ukraine trong thời gian tới.

Theo vị cựu cố vấn cấp cao cho Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller (dưới thời Tổng thống Donald Trump), lời của Tổng thư ký NATO thể hiện tín hiệu về vấn đề ngày càng cấp bách giữa các đồng minh, do không thể bổ sung các nguồn cung cấp cần thiết.

Ông McGregor cho rằng, điều này có thể dẫn đến việc viện trợ cho Kiev sẽ sớm bị điều chỉnh lại theo hướng ngày càng giảm đi và thực tế là Quân đội Ukraine sắp hết đạn dược. Việc hỏa lực yếu hơn Nga nhiều lần sẽ khiến họ buộc phải rút lui và tập hợp lại, nếu không sẽ bị tiêu diệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ