Đái cả lên mặt thuyền viên để hành hạ

Đái cả lên mặt thuyền viên để hành hạ

(GD&TĐ) - Sau khi tàu rời cảng vài ngày, nhiều thuyền viên chúng tôi bị thuyền trưởng, máy trưởng và cai tàu  liên tục đánh đập. Thích đánh khi nào thì họ đánh. Sẵn búa, cờ lê trong tay là họ đánh. Thậm chí, họ còn dùng cả dầu máy dội lên người thuyền viên, đái cả lên mặt thuyền viên để hành hạ.

hhh
Thuyền viên Trần Văn Dũng và mẹ ngày đoàn tụ

Sống như nô lệ

Hiện nay, 4 thuyền viên phải trốn khỏi tàu cá Hsieh Ta của Đài Loan (Trung Quốc) ở vùng biển của Pháp đã về đến quê nhà an toàn. Tại nhà của thuyền viên Trần Văn Dũng (Sinh năm 1994) ở xóm 5  (Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An) rất đông bà con đến hỏi thăm.

Được biết , Dũng là con thứ hai trong một gia đình ngư dân nghèo, sau Dũng còn 4 người em đang tuổi ăn học. Dũng học xong lớp 6 đành phải bỏ học theo cha ra biển mưu sinh.

Vào đầu tháng 11, một người đàn ông tên Đồng, đã đến nhà gặp bố Dũng là ông Trần Văn Chắt đặt vấn đề sẽ lo cho Dũng đi Đài Loan với luơng tháng 400 USD/tháng. Mong muốn cho con mình thoát khỏi nghề đi biển khổ cực,  ông Chắt đã vay mượn 20 triệu đồng để làm thủ tục cho Dũng đi.

Dũng đi sang Đài Loan từ đầu tháng 12/2012 cho đến nay nhưng mới chỉ gửi về 38 triệu đồng(nhưng phải trả cho ông Đồng - người môi giới 10 triệu đồng) rồi bặt âm, vô tín khiến cho gia đình lo lắng. Nguyên nhân Dũng và các thuyền viên không liên lạc được với gia đình là do cai tàu không cho gọi và dùng điện thoại.

Dũng cho biết anh từ TP Hồ Chí Minh đi xe khách về  đến nhà vào lúc 1 giờ sáng ngày 15/8. Dũng vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng bị hành hạ trên con tàu  cá Hsieh Ta.

Dũng kể: “Sau khi tàu rời cảng vài ngày thì bọn tôi bị thuyền trưởng, hai cai tàu và máy trưởng liên tục đánh đập. Thích đánh khi nào thì họ đánh chứ không cần lý do. Sẵn búa, cờ lê trong tay là họ vụt túi bụi vào chân, tay.

Đáng sợ nhất là máy trưởng người Đài Loan đã gần 60 tuổi. Ông này rất hung tợn và thường xuyên đánh các thuyền viên, có khi ông dùng cả dầu máy dội lên người thuyền viên để hành hạ. Thậm chí thuyền viên đang ngủ họ cũng bắt chim đái vào mặt".

Công việc của thuyền viên Dũng là phụ lái tàu, bắt câu và gỡ câu. Theo anh, mỗi ngày các thuyền viên trên tàu đều chỉ được ngủ 5 tiếng đồng hồ, thời gian còn lại đều phải làm việc liên tục, trừ những lúc nghỉ ăn cơm. Mặc dù công việc vất vả nhưng các thuyền viên lại bị đối xử rất tệ bạc.

“Tôi bị thuyền trưởng và máy trưởng đánh rất nhiều lần. Có ngày họ đánh đến hai, ba lần. Tôi bị đánh đau nhất là lần bị thuyền trưởng và máy trưởng dẫm đạp lên người, đánh cho hộc máu mũi, ngất xỉu. Chúng tôi rất bất bình vì bị hành hạ vô cớ nhưng phải cắn răng chịu vì sợ phản ứng sẽ bị họ ném xuống biển” - Anh Dũng kể.

Theo anh Dũng, lịch trình của tàu Hsieh Ta là 2 năm mới vào bờ một lần nên anh và các thuyền viên Việt Nam khác rất lo sợ, không dám phản kháng.

Thuyền viên Hoàng Văn Hậu quê ở bản Hạnh Tiến (Quỳ Châu, Nghệ An) cũng đã về đến nhà vào lúc 10 giờ sáng 15/8.

Kể về việc bị hành hạ , đánh đập, trên tàu cá Hsieh Ta, Hậu bức xúc: "Bọn em làm trên tàu đó bị đánh đập thường xuyên. Có bận người ta lấy búa đánh vào đầu bị ngất xỉu, có bận em bị túm tóc đập đầu vào thành tàu máu ra nhiều và cũng bị ngất. Bức xúc và căm giận nhưng bọn em không thể chống đối được, vì sợ bị đập chết rồi đẩy xuống biển cho mất xác. Vả lại, nhà nghèo, vay mượn để đi, phải chịu nhục, chịu đòn để làm cho ở nhà vợ con bớt khổ".

fgg
Bà con đến nghe thuyền viên Trần Văn Dũng kể chuyện sống như nô lệ trên tàu cá 

Cuộc đào tẩu bất đắc dĩ

Cuối cùng, vì không chịu được cảnh sống bị hành hạ như nô lệ thời trung cổ. 10 thuyền viên người Việt bàn chuyện nhảy tàu để trốn. Cuộc đào tẩu này được thực hiện khi thời cơ đến. Ngày 3/8, khi đang đánh cá trên vùng biển nước Pháp, một tàu cá khác bị hỏng máy, tàu Hsieh Ta phải kéo về cảng để sửa chữa. Cơ hội đào thoát đã đến và các thuyền viên người Việt Nam bàn nhau nhảy xuống biển khi tàu vào cảng.

Ngày 8/8, tàu Hsieh Ta kéo chiếc tàu gặp nạn vào cảng Tahiti (quần đảo Polynesia thuộc Pháp ở Nam Thái Bình Dương), các thuyền viên quyết định nhảy tàu. Khi tàu Hsieh Ta còn cách cảng khoảng 5 hải lý thì bàn giao tàu bị nạn lại cho cảng rồi chuẩn bị quay ra để tiếp tục đánh cá.

4 thuyền viên Việt Nam đã gói ghém sẵn giấy tờ tùy thân rồi ôm phao câu nhảy xuống biển để bơi vào cảng. Khoảng 2 giờ sau, cảnh sát phát hiện và đưa ca nô ra đưa họ lên. Các thuyền viên này đề nghị được ứng cứu và cơ quan chức năng ở đây đã đưa làm các thủ tục cho họ về nước.
    
Khi được hỏi vì sao 6 thuyền viên Việt Nam khác lại không nhảy xuống biển để trốn khỏi tàu như đã thống nhất với nhau từ trước, anh Dũng nói do bị thuyền trưởng và 2 cai tàu phát hiện nên đã ngăn lại không cho họ nhảy xuống.

Cần phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Theo anh Trần Văn Dũng  thì từ khi về nước đến nay, người môi giới là ông Đồng và công ty cũng không thấy liên lạc gì . Dũng nói "Em không buồn vì điều đó. Thoát được kiếp nô lệ trên tàu đó là mừng rồi. Sắp tới đây em sẽ đi biển câu mực với bố và lấy vợ".

Còn 2 thuyền viên Hoàng Văn Hậu và Lê Đình Anh cho biết, hiện nay, công ty mới cho tiền tàu xe đi về chứ chưa đề cập đến việc gì cả. " Khi về, công ty đã giữ hộ chiếu của bọn em và hẹn 3 tháng sau sẽ giải quyết. Em đi sang đó theo hợp đồng là 400 USD/ tháng. Tính là đã 8 tháng nhưng ở nhà chỉ mới nhận có 3 tháng lương (350 USD/ Tháng). Hiện nay em chờ công ty giải quyết xong mới có thể ổn định tìm việc làm khác" - Hoàng Văn Hậu nói.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết sau khi nhảy khỏi tàu cá Hsieh Ta (Đài Loan) và được cứu tại vùng biển Tahiti, 4 thuyền viên đã về đến Việt Nam vào tối 12/8.

Trong đó, 2 thuyền viên do Công ty CP XKLĐ, thương mại và du lịch TTLC phái cử là: Hoàng Văn Hậu, ngụ huyện Quỳ Châu (Nghệ An); Lê Đình Anh, ngụ huyện Quỳnh Lưu (đểu ở Nghệ An). 2 thuyền viên còn lại là Nguyễn Văn Hùng do Công ty TNHH MTV đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế NOSCO phái cử và Trần Văn Dũng do Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ tổng hợp SERVICO HANOI phái cử.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), ngoài 4 thuyền viên trên, hiện trên tàu Hsieh Ta còn 7 thuyền viên người Việt Nam. Cục đang tiếp tục kiểm tra xác minh để làm rõ vụ việc. Ngoài ra, Cục yêu cầu 3 công ty liên hệ với các bên liên quan đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các lao động; đồng thời làm rõ nguyên nhân người lao động bỏ hợp đồng cũng như điều kiện làm việc và đời sống trên tàu Hsieh Ta.

Hỏi về việc có một số thông tin cho rằng 4 thuyền viên bỏ trốn là muốn đến Tahiti làm việc khác, thì cả bốn đều phủ nhận."Bọn em bị đối xử thậm tệ quá mới bỏ trốn chứ  bọn em không biết Tahiti là ở nước nào và ở đó ra làm sao cả. Bọn em muốn về nhà chứ không phải trốn để kiếm việc làm" - Thuyền viên Hoàng Văn Hậu khẳng định.

  Thạch Tùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.