Đại biểu Quốc hội nam đề xuất chế độ tiền lương cho lao động nữ

GD&TĐ - Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại, nhiều đại biểu Quốc hội nam đã lên tiếng bênh vực “phái đẹp”, trong đó có đề xuất về chế độ tiền lương và độ tuổi nghỉ hưu.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Trương Minh Hoàng – Đoàn Cà Mau – nhấn mạnh: Vai trò của phụ nữ không ai chối cãi. Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị nêu:

"Phải chăm lo cán bộ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm về quyền lợi hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò về con người, người công dân, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người", bởi họ không chỉ là người xây dựng mái ấm gia đình mà còn cùng nam giới để thực hiện chăm lo việc đất nước và phát triển làm giàu cho đất nước.

Đại biểu Trương Minh Hoàng – kiến nghị: Cần có chiến lược đầy đủ để đáp ứng, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển và có chiến lược lâu dài để đào tạo nâng cao trình độ.

Trong quy hoạch đào tạo, tạo cơ hội để đề bạt, cân nhắc, xem xét đối với nữ trong đào tạo quy hoạch không nên tính đến độ tuổi, như vậy người ta mới có cơ hội để làm cán bộ chủ chốt ở tuổi đó mới bằng với nam được.

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Cần có chiến lược đầy đủ để đáp ứng, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển
Đại biểu Trương Minh Hoàng: Cần có chiến lược đầy đủ để đáp ứng, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển

Đề xuất về chế độ tiền lương, Đại biểu Trương Minh Hoàng - nêu quan điểm: "Nếu vẫn giữ độ tuổi nữ nghỉ hưu chênh lệch với nam 5 tuổi, thì đề nghị cách tính lương, cách tính nâng quân hàm phải làm thế nào để khi nghỉ hưu bằng với nam.

Ví dụ, nam chuyên viên chính 3 năm lên lương một lần, 3 năm lên cấp hàm một lần đối với sỹ quan, nên chăng với nữ chỉ cần 2 năm rưỡi. Như vậy, tới tuổi nghỉ hưu người ta mới hưởng bằng nam giới được”.

Chia sẻ với Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn Kiên Giang về việc trong quy định của pháp luật không tạo điều kiện, cơ hội cho một số các phụ nữ muốn tiếp tục cống hiến và đặc biệt là cơ hội thăng tiến; Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn Bến Tre - giải thích thêm: Đây là vấn đề này có tính lịch sử. Trước đây Luật lao động muốn cho phép phụ nữ nghỉ sớm hơn và được hưởng thụ sớm hơn.

Vì thế thời gian về hưu của phụ nữ kéo dài hơn. Chính mặt trái của quy định này đã không tạo điều kiện cho một số bộ phận lao động nữ được cống hiến và kéo dài thời gian cống hiến. Lỗ hỏng pháp luật này cần được giải quyết hài hòa cả hai vấn đề.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tuổi nghỉ hưu của 2 giới phải tương đương nhau
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tuổi nghỉ hưu của 2 giới phải tương đương nhau

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - đề nghị: Khi sửa đổi Bộ luật Lao động phải nghiên cứu rất kỹ quy định này. Làm sao để cho bộ phận lao động nữ được lựa chọn quyền nghỉ hưu từ 55 tuổi đến 60.

“Theo quan điểm của tôi, tuổi nghỉ hưu của 2 giới phải tương đương nhau. Còn phụ nữ có quyền lựa chọn về hưu từ tuổi 55 hay tuổi 56, tuổi 59 hoặc tuổi 60 là quyền của họ chứ không bắt buộc người phụ nữ phải về nghỉ hưu từ lúc 55 tuổi.

Tôi nghĩ giải quyết như thế sẽ hài hòa, vừa bình đẳng giới và cũng vừa đảm bảo quyền của một bộ phận người lao động nữ sẽ có cơ hội để thăng tiến, cơ hội để cống hiến cho đất nước và cho xã hội” - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ