Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ một số đánh giá, suy nghĩ về vấn đề làm sao để nâng cao sự tham gia và đóng góp của phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, đồng thời mong muốn Đối thoại sẽ thảo luận sâu về những vấn đề này.
Đó là, tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; tăng cường sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đối với phụ nữ; cần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy nữ doanh nhân tiếp cận với vốn, tài sản, kinh nghiệm và thị trường toàn cầu; nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; xác định những định hướng dài hạn trong hợp tác APEC về phụ nữ, đóng góp vào các nỗ lực đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu của APEC và quá trình xây dựng các tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh góp ý những vấn đề liên quan đến việc nâng cao quyền năng của phụ nữ trong nền kinh tế APEC |
Với tư cách là Chủ tịch Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, Bộ trưởng Bộ LĐ- TB& XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Ở khu vực APEC phụ nữ tham gia ngày càng đông đảo trong lực lượng kinh doanh và làm chủ doanh nghiệp. Theo thống kê, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chiếm trong khoảng từ 50 - 80% việc làm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp từ 20 - 50% GDP trong các nền kinh tế APEC.
Tuy vậy, các doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng dưới 35% xuất khẩu trực tiếp. Từ thực tế này đòi hỏi APEC cần chú trọng hơn để phát triển về quy mô và nâng cao năng lực hội nhập khu vực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ đích thân làm chủ. Chính vì vậy, việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và thúc đẩy sự hội nhập đầy đủ của phụ nữ trong nền kinh tế đã trở thành một nội dung nghị sự lớn của khu vực.
Ông Đào Ngọc Dung Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát biểu tại phiên khai mạc |
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, mặc dù chỉ chiếm 1/4 trong tổng số doanh nhân, nhưng số nữ doanh nhân Việt Nam được Việt Nam và thế giới ghi nhận, tôn vinh thì không hề thua kém đấng mày râu. Đơn cử ở Việt Nam hiện nay có 2 tỷ phú đầu tiên do Tạp chí Forbes bình chọn thì cũng đã có 1 gương mặt nữ doanh nhân. Thế nhưng việc thực hiện các chương trình, biện pháp đó còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Để có thể đạt được kết quả kinh doanh như đàn ông, phụ nữ phải vất vả gấp 2, gấp 3 lần.
Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế, là một trong ba sự kiện chính của Diễn đàn thường niên về Phụ nữ và Kinh tế APEC, vừa thể hiện sự công nhận của các nhà Lãnh đạo APEC đối với vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ, vừa là sự coi trọng vai trò sức ảnh hưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển bao trùm.
Đại biểu chụp hinh lưu niệm tại diễn đàn |
Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016, Việt Nam đứng thứ 65 trên 144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới và đứng thứ 33 về chỉ số phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí giám đốc, chủ doanh nghiệp đạt khoảng 25%. Và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của nước nhà. Trên tinh thần đó, các đại biểu của 21 thành viên APEC đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xung quanh các vấn đề về: Tăng cường sự hội nhập về kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ; doanh nhân nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân nữ trong kỷ nguyên số; xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế trong khu vực APEC và trên thế giới.