Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (đoàn Đà Nẵng):
Cần làm rõ xác định các nội dung ưu tiên để đầu tư hỗ trợ cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn để đảm bảo chất lượng triển khai chương trình mới trên cả nước.
Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ có sự phân công trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương trong xây dựng và triển khai chương trình mới; tuy nhiên, nội dung kinh phí chưa được xác định đầy đủ, chủ yếu mới tính kinh phí phục vụ cho hoạt động ở cấp Trung ương, chưa rõ kinh phí của địa phương dẫn đến khó khăn cho địa phương trong bố trí ngân sách thực hiện chương trình GDPT mới…
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long):
Để giáo dục có sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, đề nghị Quốc hội cần xem xét đưa chỉ tiêu về giáo dục vào chỉ tiêu thực hiện phát triển kinh tế xã hội hàng năm của Chính phủ.
Ngoài những nhận định đánh giá về hạn chế và ưu điểm, đề nghị việc trước tiên cần quan tâm đầu tư nâng tỉ lệ về chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia.
Song song với đó, cần nghiên cứu để thay đổi tiêu chí về trường chuẩn, thích hợp với phương thức kiểm định chất lượng giáo dục, cũng như phương thức tổ chức lớp học bắt kịp với xu thế phát triển chung của các nước trong khu vực.
Hàng năm, đề nghị Quốc hội quan tâm và giao chi ngân sách cho lĩnh vực GD&ĐT, đảm bảo 20% tổng chi ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành và thực hiện các chế độ chính sách đã ban hành.
Đề nghị Chính phủ phê duyệt đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, phổ thông cũng như đảm bảo bố trí đủ kinh phí để các địa phương đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ GV đảm bảo tính đồng bộ.
Bộ GD&ĐT cần sớm hoàn thành đồng bộ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý của trường phổ thông song song với việc ban hành chương trình sách giáo khoa để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên kịp thời với lộ trình triển khai áp dụng chương trình phổ thông về sách giáo khoa mới. Bộ GD&ĐT cũng cần nghiên cứu để thay đổi tiêu chí đánh giá đầu ra của các trường sư phạm theo chuẩn thống nhất.
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách cải cách tiền lương cho vừa với sức cống hiến của nhà giáo. Phải tạo động lực cho đội ngũ yên tâm công tác và thực hiện đổi mới.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên):
Nhất trí với đề xuất lùi thời hạn thực hiện Chương trình, SGK mới; cũng như triển khai áp dụng CTGDPT và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021 - 2022.
Đứng trước thế giới phẳng, sự thay đổi chóng mặt của thời đại, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu. Vì vậy, giáo dục Việt Nam không tiến hành đổi mới chắc chắn sẽ rơi vào lỗi thời, lạc hậu, không bắt kịp với thế giới.
Đề cập như vậy để khẳng định đổi mới là cần thiết, nhất định phải tiến hành đổi mới. Đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, định hướng nghề nghiệp, góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực, hài hòa đức - trí - thể - mỹ và phát huy tốt tiềm năng của mỗi học sinh.