Cuộc thi học sinh, sinh viên thanh lịch Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thứ VI năm 2019 (Miss & Mr VNU 2019) do Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên ĐHQGHN tổ chức.
Đây là cuộc thi diễn ra 2 năm một lần dành cho tất cả nam, nữ sinh đang theo học tại các cơ sở đào tạo trong ĐHQGHN. Năm 2019, cuộc thi mang chủ đề “Vẻ đẹp của tinh thần tình nguyện”.
Kết thúc Vòng Chung khảo với 5 phần thi: Đại sứ Trí tuệ, Đại sứ Thể thao, Đại sứ Truyền thông, Đại sứ Nhân ái, Đại sứ Tài năng Ban Giám khảo đã tìm ra 24 thí sinh xuất sắc nhất, toàn diện nhất tham gia Đêm chung kết.
Trong đêm chung kết, các thí sinh đã trải qua 4 phần thi: Trang phục truyền thống, Trang phục tự chọn, Trang phục dạ hội và Ứng xử.
Trải qua 3 phần thi, ban giám khảo lựa chọn ra 10 gương mặt tiêu biểu nhất để bước và phần thi Ứng xử. Những câu hỏi trong phần thi ứng xử xoay quanh các vấn đề xã hội nóng hổi như biến đổi khí hậu, bảo vệ động vật hoang dã, sự văn minh thông qua lời cảm ơn, xin lỗi, thực phẩm bẩn, bình đẳng giới.
Lê Thị Ngọc Ánh. |
Ở phần thi Ứng xử, nữ sinh Lê Thị Ngọc Ánh – SBD 148 đã bắt thăm được câu hỏi: Nếu đạt giải Nhất và trở thành đại sứ VNU 2019, bạn sẽ làm gì để quảng bá hình ảnh của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội”.
Trước câu hỏi đó, Ngọc Ánh đã tự tin trả lời: Đối với em, nếu như em có thể trở thành đại sứ của ĐHQGHN, em sẽ cố gắng trau dồi bản thân mình để có thể trở thành và trở nên xứng đáng với danh hiệu đó.
Bên cạnh đó, em sẽ lan truyền những thông điệp và hình ảnh của ĐHQGHN đến với cộng đồng và xã hội vì chính bản thân em cũng là đại sứ của ĐHQGHN”.
Vũ Trọng Lâm Trường. |
Cũng ở phần thi này, Vũ Trọng Lâm Trường đã bắt thăm được câu hỏi: “Theo bạn thế nào là bình đẳng giới, bạn đã đang và sẽ làm gì để thực hiện bình đẳng giới trong cuộc sống hằng ngày của bạn”
Sau khi đọc xong câu hỏi, Lâm Trường cũng trả lời một cách rất tự tin: “Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm. Ngày nay, bình đẳng giới luôn được đặt ở sự cân bằng khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện ở nhiều nơi những người phụ nữ bị đối xử bạo lực, cũng như những người đàn ông không được coi trọng với tư cách là một người đàn ông.
Hiện tại, em đang học trường ĐH KHXH&NV, là nơi có sự chênh lệch khi 70% sinh viên là nữ. Tuy nhiên, trong môi trường như vậy, chúng em thực hiện bình đẳng giới rất tốt.Chúng em đã đối xử với nhau một cách văn minh, đối xử với nhau như những người trong gia đình. Đó là cách em đang thực hiện bình đẳng giới”.