Đã sẵn sàng!

GD&TĐ - Bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị về đội ngũ và cơ sở vật chất… đó là những gì mà ngành GD và các địa phương đã, đang triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới.  

Đã sẵn sàng!

Không phải đợi đến ngày Bộ GD&ĐT công bố Chương trình GDPT mới các nhà trường, các địa phương mới bắt tay vào chuẩn bị. Thực tế các địa phương đã chủ động đón đầu bằng những việc làm thiết thực. Đơn cử như tỉnh Phú Thọ. Địa phương này đã hoàn thành việc rà soát, đánh giá thực trạng quy mô, mạng lưới trường lớp, HS; đồng thời xây dựng kế hoạch về sắp xếp lại quy mô, hệ thống trường, lớp học. Cùng với đó, tiến hành tổng rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiện có và thực hiện đánh giá nghiêm túc cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn.

Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cũng đã báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kế hoạch sắp xếp, bố trí đội ngũ đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT, SGK mới và kế hoạch cử giáo viên đi bồi dưỡng tập huấn theo lộ trình triển khai của Bộ GD&ĐT.

Hay như Sở GD&ĐT Bến Tre cũng đã tích cực triển khai nhiều nội dung nhằm chuẩn bị điều kiện đáp ứng Chương trình GDPT mới, như: Tiến hành rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp và đội ngũ cán bộ, giáo viên. Chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng học để đáp ứng nhu cầu dạy học.

Có thể nói, đi đến đâu, hỏi bất kỳ lãnh đạo Sở GD&ĐT nào về Chương trình GDPT mới, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là: Đã sẵn sàng! Tinh thần ấy, khí thế ấy đã lan tỏa, truyền cảm hứng đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Trò chuyện với một nữ hiệu trưởng vùng cao mới thấy, sự chủ động vào cuộc của đội ngũ cán bộ quản lý và các giáo viên như thế nào. Cô hiệu trưởng đã lên kế hoạch đổi mới chính mình: Từ việc giao tiếp, ứng xử cho đến quản lý và chuyên môn. Cô sẵn sàng “xắn tay” để cùng giáo viên thay đổi phương pháp dạy học.

Về phía Bộ GD&ĐT, cùng với việc xây dựng Chương trình GDPT mới, Bộ đã xây dựng Đề án sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên và đổi mới chương trình đào tạo; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; xây dựng và ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Đồng thời tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục để thực hiện Chương trình.

Ngoài ra, Bộ cũng chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện thành công Chương trình. Tới đây, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới đến tất cả các Sở GD&ĐT trên cả nước.

GD-ĐT là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Thiết nghĩ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công Chương trình GDPT mới; bảo đảm điều kiện thực hiện Chương trình; thực hiện nghiêm túc các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, giáo viên và cơ sở GD.

Chương trình GDPT là văn bản quy phạm pháp luật thể hiện mục tiêu GDPT, quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của HS, nội dung GD, phương pháp GD và phương pháp đánh giá kết quả GD làm căn cứ quản lý chất lượng phổ thông.

Việc chỉ đạo dạy học trên địa bàn không thể dựa vào nội dung SGK như trước đây mà phải dựa vào các quy định của Chương trình, đặc biệt là quy định về các yêu cầu cần đạt đối với mỗi lớp học, cấp học. Điều này đòi hỏi các giáo viên, cán bộ, quản lý GD, phải nghiên cứu kỹ Chương trình GDPT mới và thay đổi thói quen chỉ dựa vào SGK. Có như vậy, Chương trình GDPT mới mới thực sự hiệu quả và thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.