Giải bài toán “giảm tải”

GD&TĐ - Từ lâu dư luận đã nêu hiện tượng quá tải trong giáo dục phổ thông (GDPT). Những câu chuyện về chiếc cặp quá nặng của HS tiểu học đến chương trình thiên về lí thuyết, thi cử quá dày… được nêu lên như những điển hình về sức ép học hành...

Chương trình GDPT mới tạo hứng thú cho người học thông qua việc phát huy năng lực khám phá và thực hành
Chương trình GDPT mới tạo hứng thú cho người học thông qua việc phát huy năng lực khám phá và thực hành

Quốc hội đã sửa đổi Luật Giáo dục, bỏ các kì thi tốt nghiệp tiểu học và THCS. Bộ GD&ĐT liên tục cắt giảm nội dung và thời lượng học, điều chỉnh cách kiểm tra, thi cử. Nhưng việc học hành vẫn nặng nề, dư luận vẫn mong muốn chương trình, SGK phải thực hiện giảm tải nhiều hơn nữa.

Sự thực thì thời lượng học của HS phổ thông Việt Nam chỉ vào loại trung bình thấp so với các nước. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tính trung bình, mỗi HS tuổi từ 7 đến 15 ở các nước OECD học 7.475 giờ/năm học. Trong khi đó, thời lượng học của HS tiểu học và THCS theo Chương trình GDPT hiện hành của Việt Nam là 5.424 giờ, thấp hơn tới 2.051 giờ. Nội dung học tập của HS Việt Nam, trừ một vài trường hợp cá biệt, cũng không cao hơn các nước.

Đơn cử, ngay những tuần đầu học lớp Một, HS Canada đã phải thực hiện phỏng vấn các bạn cùng lớp về số lượng, chủng loại vật nuôi trong nhà và trình bày kết quả thống kê thành biểu đồ. Mỗi ngày, HS phải đọc một cuốn sách với cha mẹ; mỗi tháng tối thiểu đọc 20 cuốn. Từ lớp Một đến lớp Bốn, mỗi năm HS bang California (Mỹ) phải đọc số lượng sách tương đương 500.000 từ…

Vậy, vì sao việc học hành của HS Việt Nam vẫn bị coi là quá tải?

Trong buổi họp báo công bố Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT nêu ra những nguyên nhân chính, trả lời cho câu hỏi trên. Trong đó, nội dung GD còn nặng về lí thuyết; nhiều nội dung không thiết thực, vừa khó học, dễ quên, vừa không gây được hứng thú cho HS. Phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của HS trong việc khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức, khiến HS thiếu hứng thú học tập.

Thêm nữa, thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, nhiều khi chưa tương thích với nội dung học tập; trong khi đó, giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với bài học, HS và điều kiện thực tế của trường, lớp mình. HS phải đối phó với nhiều kỳ thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT, do đó phải học nhiều. Hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan chiếm phần lớn thời gian nghỉ ngơi, khiến HS căng thẳng và mệt mỏi. Do đặt kỳ vọng lớn ở con và do áp lực cạnh tranh, không ít bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.

Nhận thức rõ điều này, Chương trình GDPT mới đã có những biện pháp giảm tải cho HS, bằng việc giảm số môn học và hoạt động GD; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hoá, tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới việc đánh giá kết quả GD.

Tuy nhiên, những nỗ lực trên của Ban soạn thảo Chương trình GDPT mới, chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi đi kèm với sự thay đổi nhận thức trong ngành GD và toàn xã hội. Có lẽ sẽ không thể thực sự giảm tải nếu tư duy thành tích vẫn còn nặng nề; không thể giảm tải nếu phụ huynh HS vẫn buộc con phải chạy đua với lịch học thêm dày đặc ngoài những giờ học tại trường. Tất cả chỉ thực sự thay đổi khi mọi hoạt động GD đều hướng về mục tiêu là hạnh phúc, sự trưởng thành của người học cả về phẩm chất và năng lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.