Đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho các địa phương

GD&TĐ - Bộ Y tế thông tin cho biết đến nay đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Molnupiravir là một thuốc kháng virus, hiện chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (US-FDA) cũng đang xem xét các dữ liệu lâm sàng cho việc quyết định cấp phép lưu hành thuốc tại Hoa Kỳ. 

Tại các quốc gia châu Á, trong đó có Ấn Độ cũng đang rà soát các dữ liệu lâm sàng đối với các thuốc được công ty phát minh là Tập đoàn dược phẩm MSD nhượng quyền sản xuất cũng như các thuốc chưa được Tập đoàn này nhượng quyền để xem xét việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc. 

Do vậy, việc sử dụng thuốc Molnupiravir hiện nay tại Việt Nam được tiến hành thông qua hình thức nghiên cứu tại cộng đồng trong khuôn khổ Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát chặt chẽ. 

Từ giữa tháng 8/2021, Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 46 địa phương có dịch trong toàn quốc.

Việc triển khai Chương trình tuân thủ các đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt, theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá và tổng kết từ các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế theo các tiêu chí an toàn và hiệu quả của đề cương nghiên cứu.

Bên cạnh đó, do thuốc chưa được cấp phép lưu hành rộng rãi nên việc quản lý thuốc nghiên cứu cần phải hết sức chặt chẽ để tránh thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích nghiên cứu.

Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho các địa phương đang triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng.

Các kết quả báo cáo giữa kỳ của Chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy, thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong. 

Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin khoa học của thuốc cũng như tình hình cấp phép sử dụng tại các quốc gia làm cơ sở báo cáo Chính phủ và các cơ quan chức năng cho phép cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai Chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc song vẫn phải tuân thủ đề cương nghiên cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt và phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ các tiêu chí an toàn, hiệu quả cũng như quản lý thuốc nghiên cứu để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia Chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ