Chỉ số ô nhiễm không khí (AP) trong khu vực đô thị luôn nhỏ hơn 100. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại nội thành đạt 97,8%, nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt 61%; nước thải công nghiệp đạt yêu cầu xả thải đạt 100%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các quận nội thành đạt 95%. Diện tích không gian xanh đô thị bình quân trên người đạt trên 6 - 8m2/người…
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai nhiều mô hình, cách làm hay để bảo vệ môi trường như: Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “khu dân cư không rác”, CLB thu gom rác bãi biển…
Bên cạnh đó, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Sở GTVT Đà Nẵng dự kiến sẽ phát triển dịch vụ xe đạp công cộng. Sở GTVT cho biết, với tốc độ tăng trưởng phương tiện cơ giới cá nhân ngày càng cao (ô tô tăng bình quân 12%/ năm và xe máy 10,5%/ năm), giai đoạn 2016 - 2020 tại Đà Nẵng sẽ xuất hiện ùn tắc giao thông và sẽ gia tăng nhanh chóng sau năm 2020; đồng thời, sẽ trở nên nghiêm trọng nếu thành phố không có các chính sách phát triển, quản lý giao thông bền vững.
Đà Nẵng dự kiến sẽ đầu tư khoảng 30 - 40 điểm đặt xe đạp, mỗi điểm đặt 5 - 10 xe tùy thuộc vào nhu cầu dự kiến, ưu tiên vị trí các điểm đặt xe đạp trên các tuyến đường trọng điểm, gần trạm chờ xe buýt để kết nối về với hệ thống viễn thông công cộng, kết nối giữa các điểm du lịch trên địa bàn thành phố và khu vực đông dân cư.
Các trục đường ưu tiên đặt điểm đặt xe đạp và xây dựng hạ tầng, làn đường dành riêng cho xe đạp gồm: Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thoại
Hiện Sở đang được lấy ý kiến người dân và du khách về dự án phát triển xe đạp công cộng thông minh. Nội dung gồm một số vấn đề như: Thông tin khách hàng và nhu cầu sử dụng; Lộ trình mong muốn di chuyển; Phương thức thanh toán; Chất lượng dịch vụ và ý kiến góp ý.
Dự kiến thời gian lấy ý kiến của người dân trong vòng 1 tháng. Sau khi đủ số lượng biểu mẫu, Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng sẽ xem xét, cân nhắc và trình UBND thành phố phê duyệt triển khai dự án.