Trường học nói không với rác thải nhựa

GD&TĐ - Hiện nay, nhiều trường học ở tỉnh Đồng Tháp phát động và cam kết thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa”. Nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh cũng đã hưởng ứng tích cực phong trào này. Từ đây, thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường trong trường lớp cũng dần được hình thành…

Phong trào “Nói không với rác thải nhựa” đang được nhiều trường học triển khai. Ảnh. T. Nguyễn
Phong trào “Nói không với rác thải nhựa” đang được nhiều trường học triển khai. Ảnh. T. Nguyễn

Thay đổi từ bức thư của Giám đốc Sở

Trước thềm năm học 2019 - 2020, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp Trần Thanh Liêm có thư gửi đến cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh. Người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh kêu gọi chung tay bảo vệ môi trường, chấm dứt thả bóng bay, thay đổi thói quen và tiến đến không sử dụng sản phẩm từ nhựa, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Trong thư, người đứng đầu ngành Giáo dục địa phương kêu gọi: “Với tất cả ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, ngay từ bây giờ Sở GD&ĐT kêu gọi toàn thể cán bộ quản lý, thầy cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh và học sinh toàn tỉnh Đồng Tháp cần phải suy nghĩ về việc này và có hành động cụ thể. Chung tay vì một Việt Nam nói chung, vì một Đồng Tháp - Quê hương đất Sen hồng nói riêng với một môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra”.

Theo ông Trần Thanh Liêm, ngày nay vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Vấn đề này đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững của xã hội, sự tồn tại và phát triển của thế hệ hiện tại và tương lai. Ngày 17/7/2019, Sở GD&ĐT đã ban hành công văn về thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Chúng ta sẽ làm gì để giải quyết vấn đề rác thải nhựa nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng? Đó là câu hỏi đặt ra cho toàn thể cán bộ quản lý, thầy cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh, học sinh toàn tỉnh Đồng Tháp.

Sở GD&ĐT đề nghị học sinh và các cơ sở giáo dục dần dần hạn chế và tiến đến chấm dứt việc thả bóng bay trong lễ khai giảng, các ngày hội, lễ, tết… Sở GD&ĐT mong quý phụ huynh dần thay đổi thói quen và tiến đến không sử dụng sản phẩm từ nhựa, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, để gia đình trở thành địa chỉ đáng tin cậy và đồng hành cùng ngành Giáo dục trong nhiệm vụ xây dựng thế hệ trẻ có ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Từ bức thư này, các trường học trong tỉnh Đồng Tháp bắt đầu có sự chuyển biến, nhiều trường học phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa”. Hình ảnh thầy cô giáo, học sinh sử dụng chai nước thủy tinh, đựng đồ ăn bằng hộp nhựa tái sử dụng, phân loại rác thải xuất hiện ở nhiều trường học. Đến nay, nhiều trường phổ thông tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh ký cam kết “Nói không với rác thải nhựa”, tổ chức tuyên truyền trong nhà trường và khu vực dân cư.

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Ngay từ những ngày đầu năm học 2019 - 2020, Trường THPT Chu Văn An (thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã tổ chức ra quân chống rác thải nhựa. Đây là hoạt động được nhà trường kết hợp với Thị đoàn Hồng Ngự. Buổi lễ ra quân, thầy trò nhà trường cùng đoàn viên thanh niên nghe tuyên truyền về tác hại rác thải nhựa và cách để chống rác thải nhựa; Tiến hành quét dọn vệ sinh môi trường khu vực bến xe thị xã Hồng Ngự và phát hơn 500 tờ rơi tuyên truyền cho người dân xung quanh về tác hại và cách chống rác thải nhựa. Nhân sự kiện này, đoàn viên, thanh niên Trường THPT Chu Văn An tuyên truyền đến mọi người thông điệp “Rác thải nhựa - Hãy nói không”.

Ngay trong ngày khai giảng năm học 2019 - 2020, lãnh đạo Trường THCS - THPT Phú Thành A (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa” trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và học sinh. Theo thầy Hồ Quốc Dũng - Hiệu trưởng nhà trường: Trước hết chúng tôi nêu những tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường; mục đích và ý nghĩa của việc thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, đặc biệt là ở trong nhà trường. Sau đó vận động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và học sinh thay những chai nhựa trước đây bằng những chai đựng nước được làm bằng chất liệu thân thiện với môi trường như thủy tinh, nhôm, inox…

Thông qua hoạt động này, nhà trường đã giáo dục ý thức tự giác, tạo được thói quen sống lành mạnh, an toàn, không sử dụng vật dụng bằng nhựa, góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường ở mọi lúc, mọi nơi. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm giảm tải chất thải nhựa ra bên ngoài môi trường; góp phần tuyên truyền, vận động người dân chung tay hành động bảo vệ môi trường.

Tại Trường THPT Châu Thành 2 (huyện Châu Thành, Đồng Tháp), bên cạnh thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, thầy trò nhà trường còn “Nói không với sản phẩm ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Phong trào được phát động từ những ngày đầu năm học, mục tiêu nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi từng cá nhân đoàn viên, thanh niên, học sinh, giáo viên và cộng đồng cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa bằng những việc làm cụ thể. Trong đó, tập trung tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa.

Bỏ dần thói quen sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni-lông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Trong buổi phát động, nhà trường còn tổ chức cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh ký cam kết thực hiện tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa”. Hướng dẫn và tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thay thế việc sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện môi trường hoặc sản phẩm do ngành tài nguyên môi trường hướng dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống TOS-1A hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Vệ sĩ đặc biệt của pháo nhiệt áp TOS

GD&TĐ - Theo RIA, những hệ thống pháo nhiệt áp TOS Solntsepyok của Nga sẽ miễn nhiễm với các cuộc tấn công của UAV do được bảo vệ bởi hệ thống EW đặc biệt.