Đà Nẵng: Tăng cường chăm lo chính sách giáo dục cho con em người lao động

GD&TĐ -Đại diện Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề nghị TP Đà Nẵng nên quan tâm đến quỹ đất xây dựng trường học khi có quy hoạch khu, cụm công nghiệp.

Con em công nhân lao động trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ảnh tư liệu
Con em công nhân lao động trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ảnh tư liệu

Đặc biệt quan tâm xây dựng trường mầm non, giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi…

Ngày 15/9, bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với TP Đà Nẵng nhằm đánh giá việc cụ thể hóa chính sách phát triển mầm non theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP, đồng thời ghi nhận những thuận lợi, vướng mắc khi thực hiện Nghị định tại Đà Nẵng.

6.896 trẻ em và 388 giáo viên được đề xuất hỗ trợ

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho biết, sau khi Nghị định 105/2020/NĐ-CP có hiệu lực, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Đà Nẵng khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã ban hành Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 “Quy định chính sách đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục liên quan đến khu công nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng” để hiện thực hóa Nghị định 105/2020/NĐ-CP.

Theo đó, mức hỗ trợ của thành phố dành cho trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp là 200.000 đồng/trẻ/tháng (quy định Nghị định số 105/2020/NĐ-CP là 160.000 đồng/trẻ/tháng).

Mức hỗ trợ đối với giáo viên đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp là 800.000 đồng/người/tháng (bằng mức quy định của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP).

Thống kê sơ bộ từ tháng 3/2022 đến nay, TP Đà Nẵng có 6.896 cháu được đề xuất hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến hơn 1,8 tỷ đồng, 388 giáo viên được đề xuất hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến hơn 540 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 105/2020/NĐ-CP.

Kiến nghị tại buổi làm việc, bà Đinh Thị Thu Hà cho rằng, để đảm bảo Nghị định 105 đến được với con công nhân lao động, LĐLĐ TP Đà Nẵng kiến nghị được mở rộng phạm vi thụ hưởng cho nhóm trẻ gia đình giữ con của người lao động Đà Nẵng đang làm việc tại các khu công nghiệp.

“Đồng thời, bổ sung thêm mức hỗ trợ cho giáo viên, người giữ trẻ có bằng trung cấp hoặc đang học cao đẳng để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho đối tượng này”, bà Hà kiến nghị.

Còn bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng, nên mở rộng phạm vi Nghị định 105 cho công nhân làm việc ngoài các khu công nghiệp. Bởi vì, đây là lực lượng lao động khá đông, đóng góp nhiều cho kinh tế thành phố nhưng còn khó khăn, thu nhập chỉ khoảng 4 đến 5 triệu đồng.

Vị đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng còn đề xuất phủ rộng chính sách đối với các cháu đang học tại trường mầm non ngoài công lập. Tỉ lệ xã hội hóa ngoài công lập đối với mầm non tại Đà Nẵng rất cao, đến gần 60%. “Với địa phương có tỉ lệ xã hội hóa mầm non quá cao như Đà Nẵng mà Chính phủ không có chính sách hỗ trợ thì rất khó cho địa phương”, bà Yến cho biết.

Quan tâm đến quỹ đất xây dựng trường học

Kết luận tại buổi làm việc, bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ghi nhận các ý kiến đề xuất của TP Đà Nẵng để từ đó có báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Bà Xương cho biết, qua 2 năm thực hiện, cả nước mới chỉ có 39 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết để triển khai Nghị định 105. Tùy tình hình kinh tế - xã hội, mỗi địa phương lại có mức chi khác nhau. “TP Đà Nẵng đã có mức chi cao hơn so với mức Nghị định quy định. Điều này tạo niềm phấn khởi cho công nhân lao động”, bà Xương khẳng định.

Đại diện lãnh đạo LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị UBND TP Đà Nẵng sớm có văn bản chỉ đạo các địa phương, các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp hỗ trợ công dân làm các thủ tục để nhận hỗ trợ Nghị định 105. Đồng thời, bà Thái Thu Xương đề nghị TP Đà Nẵng nên quan tâm đến quỹ đất xây dựng trường học khi có quy hoạch khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt quan tâm xây dựng trường mầm non, giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi…

“Theo báo cáo, Đà Nẵng hiện tại chỉ có 1 cơ sở nhận nuôi trẻ độ 6 đến 18 tháng tuổi. Nhưng công nhân chỉ được nghỉ hậu sản 6 tháng đã phải đi làm. Con công nhân không có nơi để gửi, phải đem về quê rất khó khăn. Hiện nay, các nhóm trẻ gia đình mở ra rất nhiều, nhưng không đảm bảo an toàn do đa số người hành nghề không được đào tạo bài bản. Đây cũng là vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu cho trẻ”, bà Xương nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo LĐLĐ cũng đề nghị TP Đà Nẵng thực hiện tốt vai trò tham mưu, xây dựng kế hoạch để báo cáo Ban Dân vận Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc để có tổng hợp nội dung giám sát 2023. Ngoài ra, cần xin chủ trương Thường vụ Thành ủy nhằm giúp UBND thành phố thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là Nghị định 105 cho con em người lao động thuộc đối tượng do LĐLĐ TP Đà Nẵng quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ