Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: Ưu tiên đầu tư cho giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm học 2022 – 2023, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% học phí trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Thành phố cũng chi gần 4,7 tỷ đồng mua SGK cho gần 13 nghìn học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo và mồ côi do Covid-19.  Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ với Báo GD&TĐ về những chính sách đầu tư cho giáo dục của địa phương. 

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP (áo trắng) tham gia Lễ cắt băng khánh thành Phòng tin học tại Trường THPT Hòa Vang (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP (áo trắng) tham gia Lễ cắt băng khánh thành Phòng tin học tại Trường THPT Hòa Vang (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).

- Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngày khai giảng năm học 2022-2023 được kỳ vọng sẽ thực sự là Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Đà Nẵng chuẩn bị cho năm học mới như thế nào, thưa ông?

- Ngành GD&ĐT Đà Nẵng đã có liên tiếp 2 năm học, hoạt động dạy – học diễn ra trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chúng tôi có 2 năm học mà lễ khai giảng được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Lứa học sinh năm nay lên lớp 3 vẫn chưa có ký ức nào về một ngày khai giảng trực tiếp với không khí náo nức, hân hoan cùng thầy cô và bạn bè để bắt đầu một năm học.

Vì vậy, năm học này, các trường học ở Đà Nẵng đều chủ trương tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ nhưng vẫn tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, trong đó, học sinh phải là nhân vật trung tâm của ngày hội đến trường.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: Ưu tiên đầu tư cho giáo dục  ảnh 1

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Tiếp tục chính sách chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh sau đại dịch Covid-19, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2022-2023. Đây là năm học thứ 3, Đà Nẵng triển khai chính sách này. Nếu tính theo mức học phí cũ với trẻ mầm non và học sinh phổ thông, thì bình quân mỗi năm thành phố hỗ trợ khoảng 92 tỷ đồng. Nhưng nếu tính theo mức mới của Nghị định 81 thì số tiền hỗ trợ bình quân là 450 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần.

Thành phố cũng hỗ trợ gần 4,7 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho gần 13 nghìn học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo và học sinh mồ côi do Covid-19 đang học tại các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên trong năm học 2022-2023.

Ngành GD&ĐT cũng nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài trường học, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo đầy đủ các điều kiện cơ bản cho các em trước khi bước vào năm học mới như: sách giáo khoa, đồ dụng học tập, áo quần, phương tiện đi lại… Đây là nguồn động viên, hỗ trợ để đảm bảo mọi học sinh đều được đến trường, không vì điều kiện kinh tế quá khó khăn mà bỏ học giữa chừng.

- So với các thành phố trực thuộc trung ương, Đà Nẵng có điều kiện tương đối thuận lợi để phát triển giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong đầu tư và phát triển cơ sở vật chất trường lớp. Thành phố có những ưu tiên gì cho ngành giáo dục để đảm bảo mục tiêu chất lượng, phát triển theo chiều sâu, thưa ông?

Ông Lê Trung Chinh (bên phải) - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021.

Ông Lê Trung Chinh (bên phải) - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021.

- Trong những giai đoạn thành phố khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì giáo dục vẫn được đầu tư theo đúng lộ trình. Ngoài chính sách chung, Đà Nẵng có những hỗ trợ riêng cho giáo dục như hỗ trợ 100% học phí, hỗ trợ cho giáo viên mầm non bị ảnh hưởng từ gói hỗ trợ của thành phố... Nguồn lực của thành phố đầu tư cho giáo dục là rất lớn.

Đà Nẵng xác định ngành giáo dục địa phương phải đặt mục tiêu chất lượng, phát triển theo chiều sâu. Trong chiến lược phát triển toàn diện của thành phố, Đà Nẵng đã rất chú trọng đến quy hoạch giáo dục hài hòa, hợp lý, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện Đà Nẵng vẫn còn nhiều trường học có quy mô nhỏ và quá tải, thành phố đã có những chính sách phù hợp để có quỹ đất ưu tiên cho phát triển giáo dục.

UBND TP Đà Nẵng vừa bàn giao khu đất nằm ở vị trí trung tâm của quận Thanh Khê với diện tích gần 16.000m2 để xây dựng trường học và các hạng mục khác. Với 2 khu đất này, sẽ xây dựng trường mới cho Trường Mầm non Hải Đường và Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm thay thế cho các cơ sở hiện trạng đã xuống cấp. Do ảnh hưởng của quá trình chỉnh trang đô thị, hiện diện tích đất của Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm bị thu hẹp, không đủ 6m2/học sinh theo quy định. Trường Mầm non Hải Đường đang có 2 cơ sở, diện tích nhỏ hẹp và cơ sở vật chất đều đã xuống cấp. Trước đó, UBND TP Đà Nẵng cũng đã di dời trụ sở của Hội Nông dân thành phố để lấy đất với diện tích khoảng 2.000m2 để xây dựng cơ sở mới cho Trường Tiểu học Trần Cao Vân.

Học sinh lớp Một, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trong ngày tựu trường.

Học sinh lớp Một, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trong ngày tựu trường.

Thành phố ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực từ xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, xứng tầm với vị thế của thành phố động lực miền Trung.

- Kể từ khi khởi động lại dự án Làng đại học Đà Nẵng, chính quyền đã xem các vấn đề liên quan đến dự án cũng là vấn đề chung của thành phố. Xin ông cho biết, kinh nghiệm của Đà Nẵng trong việc phối hợp với Đại học Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ của dự án?

- Đà Nẵng rất quan tâm dự án này và ưu tiên tập trung nguồn lực để giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án Làng đại học Đà Nẵng có 110ha thuộc địa phận Đà Nẵng. Phần diện tích đã được giải phóng mặt bằng bàn giao cho ĐH Đà Nẵng từ năm 2017 là 38,6 ha. Với diện tích còn lại gồm 71,4ha, đã giải phóng mặt bằng được khoảng 40ha.

Dự án đầu tư xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng đã được lập vào năm 1997. Đà Nẵng xem các vấn đề liên quan đến dự án Làng đại học Đà Nẵng cũng là vấn đề chung của thành phố. Trong 2 năm, địa phương đã giải quyết một khối lượng lớn công việc liên quan đến dự án.

Ngoài hỗ trợ tối đa những phần việc có liên quan đến Dự án Làng Đại học, Đà Nẵng cũng đã tính đến hạ tầng để đáp ứng được những dịch vụ có liên quan cho hàng ngàn sinh viên khi quy mô của ĐH Đà Nẵng được mở rộng.

Chúng tôi xác định, đầu tư cho giáo dục phổ thông cũng như sự hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học là một trong những bước quan trọng để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực trong trung hạn và dài hạn.

- Xin cảm ơn ông.

"Các quận, huyện đều có những biện pháp để ưu tiên quỹ đất cho xây dựng, đầu tư trường lớp theo hướng đồng bộ, khang trang và hiện đại. Đơn cử như quận Thanh Khê đã chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non nhỏ lẻ, rà soát quỹ đất, chọn các khu đất còn trống, đất giải tỏa, hoán đổi đất cho các hộ dân để mở rộng, nâng cấp các trường mầm non, tiểu học và THCS. Hay quận Liên Chiểu, nơi có tỉ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày mới chỉ đạt 75%, thấp nhất của thành phố thì UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường rà soát, thu hồi các khu đất sắp hết thời hạn cho thuê trên địa bàn quận để đầu tư xây dựng bổ sung các trường học" - Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ