Đà Nẵng: Cấm nuôi thủy sản tại vịnh Mân Quang

GD&TĐ - Những ngày này, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè ở vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) như “ngồi trên đống lửa”. Đà Nẵng vừa quyết chấm dứt tình trạng nuôi trồng không phép tại đây.

Người dân nuôi cá lồng bè nhưng đang “ngồi trên đống lửa” trước yêu cầu tháo dỡ của thành phố.
Người dân nuôi cá lồng bè nhưng đang “ngồi trên đống lửa” trước yêu cầu tháo dỡ của thành phố.

Trước đó, theo kế hoạch, tháng 10/2021, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, yêu cầu các chủ nuôi cá lồng bè thực hiện tự tháo dỡ tài sản của mình sau khi thu hoạch thủy hải sản. Theo phương án, từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12/2021, chính quyền địa phương, các sở, ngành sẽ ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hộ không chấp hành, đảm bảo không để phát sinh từ năm 2022.

Đổ tiền tỷ vào… bè cá

Anh Hồ Thanh Quý (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, anh có khoảng 1.400m2 tại vịnh Mân Quang. Theo anh Quý, để có nguồn thu nhập nuôi sống gia đình trong thời gian qua, anh đã đi vay vốn số tiền hàng tỷ đồng để nuôi cá lồng bè.

“Từ năm 1996, tôi bắt đầu nuôi cá lồng bè trên vịnh Mân Quang. Hàng chục năm qua, nguồn thu nhập chính của gia đình tôi đều nhờ những bè cá này. Năm nay, gia đình tôi phải vay mượn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để nuôi cá bớp, cá chim”, anh Quý chia sẻ.

Theo lời anh Quý, vừa qua, khi Đà Nẵng bùng dịch, người dân chỉ được phép ra thăm bè cá 3 lần/ngày. Chính vì không được ra thăm và cho cá ăn thường xuyên, dẫn đến tình trạng cá đói và chết khá nhiều. Thiệt hại ước tính khoảng 2 tỷ đồng.

Anh Quý cho hay, hiện số cá tại lồng bè của anh còn khoảng 20 tấn, tuy nhiên vẫn chưa thể tiêu thụ được do chưa có thương lái đến mua. “Tiền cho cá ăn mỗi ngày tới hàng chục triệu đồng. Giờ chính quyền không cho phép nuôi cá lồng bè, nợ cũ chưa trả, nợ mới lại phát sinh, tụi tui nhưng ngồi trên đống lửa. Không biết xoay xở kiểu chi. Lo đến mất ăn mất ngủ”, anh Quý than thở.

Rơi vào cảnh tương tự, ông Nguyễn Văn Bông cho biết, hiện gia đình ông còn khoảng 40 tấn cá dưới lồng bè. Ông Bông cho biết, thời điểm bình thường giá cá bán ra khoảng 150 nghìn đồng/kg nhưng thời điểm khó khăn như hiện nay, lượng tiêu thụ ít nên bán 100 nghìn/kg cũng không có người mua.

Theo lời ông Bông, cách đây vài ngày, chính quyền địa phương cử đoàn công tác xuống thực tế chuẩn bị cho việc cưỡng chế các hộ nuôi cá lồng bè nhưng người dân không đồng ý.

“Chúng tôi mong chính quyền quan tâm xem xét. Nếu cưỡng chế, chúng tôi có nguy cơ mất nhà vì vỡ nợ. Chúng tôi cũng kiến nghị, khi nào thành phố thu hồi để triển khai các dự án thì chúng tôi sẵn sàng trả, còn nếu chưa thì nên tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp tục nuôi tại đây. Chúng tôi tha thiết mong chính quyền xem xét gia hạn thời gian để người dân tiêu thụ sản phẩm, đồng thời có quy hoạch vùng nuôi để chúng tôi có kế sinh nhai”, ông Bông kiến nghị.

Anh Hồ Thanh Quý (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chỉ về những bè cá của mình.
Anh Hồ Thanh Quý (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chỉ về những bè cá của mình.

Xây dựng lộ trình chấm dứt nuôi cá lồng bè

Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Quang Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng) - cho hay, việc nuôi thủy sản lồng bè tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước cung cấp sinh hoạt cho toàn thành phố, ngoài ra cũng không phù hợp với quy hoạch chung của thành phố giai đoạn 2020 - 2030.

Ông Khánh cho hay, từ năm 2001, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo không cho phép nuôi trồng thủy sản ở vịnh Mân Quang. “Đối với trên tuyến sông như sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, từ 2006, Đà Nẵng đã không có chủ trương nuôi trồng. Nhưng việc xử lý không triệt để dẫn đến tình trạng như hiện nay”, ông Khánh thông tin.

TP có khoảng 500 hộ đang nuôi trồng thủy sản, lồng bè. Có 804 bè và 1.997 lồng, khi chấm dứt việc nuôi trồng thủy sản, kế hoạch của UBND TP Đà Nẵng là giao cho UBND quận, huyện tổng hợp nhu cầu đăng ký đào tạo chuyển đổi nghề các hộ nuôi để phối hợp Sở LĐ-TB&XH đào tạo nghề cho các hộ này.

Để chấm dứt việc nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè tự phát trong năm 2021, Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch 160 ngày 5/9/2021. Kế hoạch chia làm 3 giai đoạn. Sau khi kết thúc quá trình vận động người dân tự tháo gỡ lồng bè, từ ngày 1/11 đến 31/12/2021, tổ kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra, xử lý các hộ không chấp hành, cưỡng chế tháo dỡ đối với các trường hợp không hợp tác.

Ông Khánh cũng thông tin, trong quy hoạch của ngành thủy sản Đà Nẵng không có quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè, vì vậy, các hộ này phải chuyển đổi sang nghề khác thuận tiện cho điều kiện hoàn cảnh từng hộ.

Ngư dân nuôi cá lồng bè ở TP Đà Nẵng.
Ngư dân nuôi cá lồng bè ở TP Đà Nẵng.

Nhiều người dân đã có đơn thư kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng về việc sớm quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản để các hộ dân được nuôi cá lồng bè hợp pháp. Trả lời đơn kiến nghị của các hộ dân, Sở NN&PTNT cho biết, hiện UBND TP Đà Nẵng không quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn thành phố nói chung cũng như địa bàn quận Sơn Trà nói riêng.

Đồng thời, Thường trực HĐND thành phố cũng chỉ đạo chấn chỉnh, quản lý chặt, xây dựng lộ trình chấm dứt nuôi cá lồng bè trên lưu vực các sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò, vịnh Mân Quang.

Theo Kết luận số 143-TBTU ngày 11/6/2021 của Thành ủy Đà Nẵng tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy, Sở NN&PTNT, Thường trực Thành ủy chỉ đạo cơ quan chức năng chấm dứt các hoạt động nuôi cá lồng bè trên địa bàn thành phố trong năm 2021.

Vì vậy, Sở NN&PTNT đề nghị các hộ nuôi trồng thủy sản tại vịnh Mân Quang nghiêm túc chấp hành chủ trương, quy định của Nhà nước về chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát trong năm 2021, thu hoạch thủy hải sản và sớm có kế hoạch xử lý lồng bè, trại nghêu để hạn chế thiệt hại về kinh tế đến mức thấp nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ