Học sinh mầm non và tiểu học tại TPHCM vào học từ 7 giờ 30 phút

GD&TĐ - Sở GD&ĐT TPHCM đã chính thức có văn bản rà soát và điều chỉnh giờ vào học của các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm trong ngày tựu trường năm học 2022-2023.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm trong ngày tựu trường năm học 2022-2023.

Theo đó, căn cứ kết quả khảo sát việc thực hiện đề án “lệch ca lệch giờ” đảm bảo thời gian tổ chức đi học cho trẻ em, học sinh tại các cơ sở giáo dục vào đầu năm học 2022- 2023;

Đồng thời căn cứ nội dung phối hợp của các sở, ban ngành thực hiện kết luận tại cuộc họp xem xét báo cáo kết quả nghiên cứu giải pháp lệch ca, lệch giờ làm việc, giờ học trên địa bàn TPHCM;

Sở GD&ĐT TPHCM chỉ rõ thời gian qua, có một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Sở về thực hiện giải pháp lệch ca, giờ học tại các trường học. Vì vậy Sở đề nghị các cơ sở giáo dục rà soát chấn chỉnh và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung sau.

Cụ thể, các trường điều chỉnh giờ bắt đầu tiết học đầu tiên ở bậc học mầm non và tiểu học không trước 7 giờ 30 phút; cấp THCS không trước 7 giờ 15 phút; cấp THPT không trước 7 giờ.

Đồng thời, nhà trường xây dựng kế hoạch mở cửa đón học sinh từ 6 giờ 30 phút, không để học sinh đi học trễ hoặc về sớm tập trung ở khu vực phía trước cổng trường.

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, người đứng đầu nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng các giải pháp lệch ca, lệch giờ học đối với các khối lớp, bậc học trong nhà trường. Bố trí số tiết học trong 1 buổi học, số buổi học trong 1 tuần cho trẻ em, học sinh tại đơn vị theo khung giờ trên, nhưng phải đảm bảo số tiết học, chương trình học đầy đủ theo quy định, đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh và người lao động tại đơn vị.

Các khung giờ phải bảo đảm tình hình giao thông thông thoáng trước cổng và xung quanh trường vào giờ cao điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.