Nhiều trường TPHCM lùi giờ học nhưng đảm bảo chương trình

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, nhiều trường tại TPHCM lùi giờ học muộn hơn nhưng vẫn đảm bảo chương trình.

Nhà trường, các đơn vị hoàn toàn chủ động trong việc quyết định giờ học của học sinh.
Nhà trường, các đơn vị hoàn toàn chủ động trong việc quyết định giờ học của học sinh.

Năm học 2022 - 2023, nhiều trường tại TPHCM quy định giờ vào học từ 7 giờ 30 phút, thậm chí một số trường 7 giờ 45 phút mới vào học tiết đầu tiên, thay vì 7 giờ. Dù vào học muộn hơn nhưng các trường vẫn đảm bảo thời lượng chương trình cũng như mục tiêu đặt ra, đồng thời giúp phụ huynh đỡ cập rập trong việc đưa con em tới lớp.

Trường học chủ động

Năm học 2022 - 2023, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5) áp dụng thời gian vào học lúc 7 giờ 30 vào các ngày trong tuần (trừ thứ Hai chào cờ 7 giờ và thứ Sáu sinh hoạt lớp 7 giờ), muộn hơn 30 phút so với các năm học trước. Khung thời gian này giúp học sinh thong thả hơn và có thêm thời gian để ăn sáng, chuẩn bị bài vở, thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa con đến trường.

Tương tự cũng trong năm học mới này, học sinh Trường THCS Minh Đức (Quận 1) được vào học lúc 7 giờ 15 phút thay vì 7 giờ như trước đây. Thời khóa biểu hàng ngày cũng được nhà trường thay đổi sáng 4 tiết, chiều 4 tiết thay cho sáng 5 tiết, chiều 3 tiết. Quy định này nhận được hưởng ứng tích cực của phụ huynh, học sinh, giáo viên. Việc lùi thời gian học đã giúp học sinh có thêm thời gian ăn sáng, việc học sẽ hiệu quả hơn,...

Gần đây nhất vào sáng 24/10 nhiều trường tiểu học, THCS tại Quận 12, TPHCM lùi giờ vào học, muộn hơn giờ cũ từ 15 đến 30 phút. Theo chia sẻ của ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12, từ trước đến nay trên địa bàn quận có nhiều trường tiểu học, THCS áp dụng giờ vào học là 7 giờ 15 hoặc 7 giờ 30. “Theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT Quận 12, sẽ có thêm các trường lùi giờ vào học. Việc lùi giờ học có thể một số trường chưa điều chỉnh ngay, nhưng đang có lộ trình thực hiện”, ông Hùng cho hay.

Trong sáng 24/10, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (Quận 12) chính thức chuyển sang 7 giờ 45 thay vì vào học lúc 7 giờ 30 phút như trước đây. Như vậy từ 7 giờ 30 phút, trường sẽ cho học sinh tập trung ở sân trường, tập thể dục. Trong thời gian này, em nào đến muộn vẫn được vào trường.

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, các đơn vị hoàn toàn chủ động xây dựng kế hoạch nhà trường. Quan trọng nhất là kế hoạch phải phù hợp với thực tế nhà trường, không nên rập khuôn mà cần mạnh dạn, làm sao tạo được sự đồng thuận cao nhất trong phụ huynh, học sinh và đội ngũ giáo viên.

“Khi có ý kiến của phụ huynh, là cơ quan tiếp nhận và chủ trì, sở đã rà soát tất cả các đơn vị giáo dục, không có cơ sở giáo dục tiểu học nào bắt đầu sớm (sớm nhất cũng từ 7 giờ 15 phút). Sở sẽ có hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục, cụ thể giờ vào học của học sinh tiểu học là 7 giờ 30 phút. Với trường THCS và THPT, giờ vào học từ 7 giờ. Hạn chế và không đơn vị nào được tổ chức giờ vào học trước 7 giờ”, ông Minh cho hay.

Cũng theo chia sẻ của ông Minh, với các trường THPT chỉ tổ chức được một buổi thì giờ vào học của học sinh có thể sớm và kết thúc trễ thì có phương án tính toán, tùy theo đặc điểm của từng trường.

Từ ngày 24/10, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định chính thức vào học từ lúc 7 giờ 45.

Từ ngày 24/10, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định chính thức vào học từ lúc 7 giờ 45.

Hiệu quả “kép”

Theo chia sẻ của cô Bùi Thị Bảo Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, việc dời buổi học một phần là do năm nay thực hiện Chương trình GDPT 2018, học 2 buổi/ngày, thời khóa biểu trong tuần cũng được cân đối lại để thích hợp với 4 tiết 1 buổi. Đồng thời đơn vị này cũng điều chỉnh giờ học cho hợp lý hơn với học sinh. Tiết học cuối buổi sáng sẽ kết thúc lúc 11 giờ và buổi chiều lúc 16 giờ 30 phút, thuận lợi cho phụ huynh đưa đón,... “Việc đổi giờ trong năm học này nhận được phản hồi tích cực từ phía phụ huynh và học sinh”, cô Phó Hiệu trưởng chia sẻ.

Còn cô Phan Thị Ngọc Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (Quận 12) cho hay, để phù hợp với chu kỳ sinh học của học sinh tiểu học, từ 11 giờ trở đi, nhà trường mới tổ chức cho học sinh ăn trưa. Vì vậy để cân đối lại thời gian, nhà trường đã quyết định lùi thời gian vào học thêm 15 phút. Việc này tạo điều kiện cho phụ huynh có thời gian cho con em ăn sáng và đưa đón đến trường. Tất nhiên đối với những học sinh ba mẹ đi làm theo giờ hành chính, nhà trường vẫn mở cổng trường từ sớm để các em vào, có bảo vệ trực để đảm bảo an toàn.

“Ở khối tiểu học, mỗi tiết học kéo dài 35 phút, xen lẫn các tiết là 5 phút giải lao và sau 2 tiết đầu có giờ ra chơi 30 phút. Theo quy định, với các lớp học 2 buổi như trường đang thực hiện, các em sẽ học 4 tiết buổi sáng và 3 tiết buổi chiều. Nếu giờ vào học là 7 giờ 45 thì đến 11 giờ các em tan học. Lúc này cũng là thời điểm các em chuẩn bị ăn trưa tại trường và nghỉ ngơi. Với việc cho học sinh vào học lúc 7 giờ 45 phút chắc chắn sẽ được các phụ huynh đồng tình, ủng hộ”, cô Phương nói.

Tuy nhiên cũng theo cô Phương, giờ vào học sớm hay muộn cũng khó đánh giá vì còn tùy thuộc vào nhu cầu khác nhau của phụ huynh. “ Có ngày dù mới 6 giờ 30 phút nhưng trong trường đã có học sinh bởi nhiều phụ huynh phải gửi con sớm để đi làm”, cô Phương chia sẻ thêm.

Chị Nguyễn Thị Anh Thảo có con học lớp 3 tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định chia sẻ: “Nhận được thông báo của cô giáo chủ nhiệm giờ vào học mới là 7 giờ 45 phút áp dụng tất cả ngày đi học, tôi rất vui. Việc trường học lùi giờ như vậy là hợp lý. Bố mẹ có thêm thời gian cho các con ăn uống, không cập rập vào mỗi sáng về việc đưa con đến trường. Là mẹ của 2 con nhỏ, nếu giờ vào học quá sớm, tôi không biết sẽ lo cho các con ra sao”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.