Bệnh nhân T.T.Y. (33 tuổi) bất ngờ bị cuốn tay vào máy ép khi đang vệ sinh máy móc trước khi làm việc. Phần mềm cánh tay, cẳng tay trái của bệnh nhân bị tổn thương nặng nề, toàn bộ phần da bị kéo rách từ cánh tay ngay dưới nách cho đến sát cổ tay, các múi cơ bị bầm dập, dây thần kinh và các động mạch nuôi tay bị lộ hoàn toàn.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc, vết thương phần mềm lớn khiến bệnh nhân đau đớn, tụt huyết áp, vết thương vùng cánh tay, cẳng tay trái bị lột da, lộ gân cơ, chảy máu nhiều.
Ngay lập tức, bệnh nhân được dùng thuốc giảm đau mạnh, băng cầm máu, cố định cánh tay, cẳng tay trái để chống sốc. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm cần thiết và được tiến hành phẫu thuật ngay sau đó.
ThS.BS Trần Minh Tân - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết: Trong quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân, kíp mổ gặp nhiều khó khăn do vết thương khá bẩn vì bị máy ép cuốn nên có nhiều dị vật. Các bác sĩ phải cắt lọc kỹ lưỡng vì nếu không làm sạch, không lấy hết dị vật sẽ bị nhiễm trùng về sau.
Bên cạnh đó, các tổ chức cơ gân của bệnh nhân tổn thương rất nhiều, kíp mổ phải đánh giá kỹ lưỡng để có thể bảo tồn tối đa tổ chức gân cơ, lại phải đảm bảo loại bỏ những tổ chức đã hoại tử, mất nuôi dưỡng. Đồng thời, cố gắng bảo tồn hệ thống mạch và thần kinh cho bệnh nhân để không những đảm bảo máu đến nuôi dưỡng cánh tay mà hệ thống tĩnh mạch dẫn máu về phải đảm bảo đủ thì cánh tay bệnh nhân mới tồn tại được. Ngoài ra, phải bảo tồn hệ thống thần kinh bởi chính nó sẽ chỉ đạo cho vận động sau này của cánh tay.
Sau mổ bệnh nhân được h ồi sức tích cực và theo dõi sát tình trạng cấp máu ở cánh tay và đầu ngón tay. Đánh giá sơ bộ sau mổ, đầu ngón hồng ấm, tưới máu tốt!
Qua ca bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân cần thận trọng trong lao động, đảm bảo an toàn lao động nhất là đối với các lao động với máy móc. Cần trang bị kiến thức để khi xảy ra tai nạn cần biết cách sơ cứu vết thương và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.