Các ngư dân ngồi ngất ngưởng trên lưng ngựa, điều khiển chúng chạy trên mặt nước thủy triều đang rút với tấm lưới sau đuôi. Sau mỗi khoảng 30 phút, họ tạm dừng ngựa, thu lưới và trút toàn bộ hải sản bắt được vào cặp giỏ đặt ngay trên lưng chúng.
Truyền thống 500 năm
Oostduinkerke là thị trấn biển nổi tiếng với khu nghỉ mát sinh thái. Nơi đây có bãi cát trải rộng 250m và kéo dài 30km. Mỗi khi thủy triều rút, nó còn rộng tới 700m.
Từ 500 năm về trước, bãi cát Oostduinkerke đã là kho hải sản nuôi sống người dân địa phương. Suốt 2 mùa đánh bắt tôm, từ tháng 9 – 11 và từ tháng 3 – 5, ngày nào họ cũng dắt ngựa, mang lưới tới đây.
Khi thủy triều rút, công việc cưỡi ngựa bắt tôm bắt đầu. Ngư dân Oostduinkerke mắc tấm lưới đã được cột dây dài lên lưng ngựa, xếp cặp giỏ đựng cuối yên cương. Xong xuôi, họ nhảy lên lưng ngựa, điều khiển chúng chạy trên mặt nước.
Sau khoảng 30 phút, các ngư dân tạm dừng đánh ngựa và nhảy xuống thu lưới. Họ đổ tất cả những gì bắt được vào giỏ rồi lại thả lưới, tiếp tục lặp lại tầm 3 tiếng đồng hồ.
Các loại động vật biển ven bờ mắc lưới đa dạng, nhưng đối tượng đánh bắt chính của ngư dân Oostduinkerke là tôm xám, loài giáp xác kích thước nhỏ. Chúng chỉ dài từ 3 – 5cm, sinh trưởng rất nhiều ở vùng Biển Bắc.
Kỳ thực, cưỡi ngựa bắt tôm không phải nghề riêng của Oostduinkerke. Trước Thế chiến II (1939 – 1945), nó là nghề chung của toàn biển Bắc Hải, kéo dài từ Đức cho tới tận Anh. Tuy nhiên sau đó, công nghệ đánh bắt với hàng loạt các loại máy móc, tàu thuyền, lưới gắn chì quét đáy biển… đã dần đẩy hoạt động đánh bắt thủ công này vào dĩ vãng.
Phụ nữ cũng được tham gia
Ở Oostduinkerke, cưỡi ngựa bắt tôm ở là nghề cha truyền con nối và chỉ dành riêng cho đàn ông. Người ta gọi những nam giới làm công việc này là paardenvisser (người cưỡi ngựa đánh cá).
Paardenvisser không chỉ là công việc nặng mà còn khó. Để thành thạo nó, ngư dân bắt buộc phải am tường từ cưỡi ngựa đến hiểu quy luật thủy triều, thời tiết, nhịp sóng… Năm 2013, UNESCO công nhận paardenvisser là di sản văn hóa phi vật thể Oostduinkerke.
“Dưới sự công nhận của UNESCO, phong tục không thể nói không với phụ nữ”, Nele Bekaert (37 tuổi), người phụ nữ say mê paardenvisser tuyên bố. Vì quá yêu thích cưỡi ngựa bắt tôm, chị nỗ lực tìm mọi cách gia nhập “câu lạc bộ paardenvisser” chỉ toàn đàn ông.
Vốn dĩ, Nele là “con nhà nòi paardenvisser”. Ông nội chị cả đời làm nghề cưỡi ngựa đánh cá và truyền cảm hứng yêu nghề cho cháu gái. Ban đầu, Nele bị cả chồng lẫn các paardenvisser phản đối. Chị phải trải qua 2 năm tập luyện, vượt qua kỳ thi thực hành mới được họ thừa nhận, chính thức trở thành nữ paardenvisser đầu tiên vào năm 2015.
Sau Nele, Oostduinkerke có thêm 1 nữ paardenvisser nữa là Katrien Terryn. Katrien đã xuất sắc vượt qua kỳ thi thực hành cưỡi ngựa đánh cá vào tháng 6/2020. Hiện, Oostduinkerke là nơi duy nhất trên thế giới vẫn duy trì nghề cưỡi ngựa bắt tôm. Họ cũng chỉ có tổng cộng 17 paardenvisser (2 nữ, 15 nam).
Công việc… tốn kém
Trên đồng cỏ xanh ngắt cách bãi bồi Oostduinkerke vài km, Nele rục rịch chuẩn bị ra biển. Chị dắt Axel, con ngựa 23 tuổi, nặng 1 tấn đến gần chiếc xe kéo, thắng yên và gắn xe. Sau khi kiểm tra bộ dụng cụ đánh bắt xem đã đủ chưa, Nele trèo lên xe kéo, thúc Axel lên đường.
Trước đại dịch Covid-19, Nele thường sơ chế tôm luôn trên bãi biển. Chị chỉ lọc lấy những con to thông qua cái rây bằng kim loại, nổi lửa và luộc qua nước sôi để giữ độ tươi. Người Bỉ đặc biệt thích tôm xám.
Ước tính, họ tiêu thụ hết một nửa tôm xám đánh bắt ở Biển Bắc. Món ưa thích từ tôm xám của người Bỉ là croquette crevette (bánh bột chiên nhân tôm) và tomate crevette (cà chua đúc tôm).
Trung bình, 1 paardenvisser chỉ đánh bắt được khoảng 7kg tôm/ngày. Tại Bỉ, tôm xám có giá tầm 10 euro/kg. Tính ra, họ chỉ kiếm được 70 euro/ngày (tương đương 1,9 triệu đồng), nhỉnh hơn mức lương tối thiểu được quy định trong nước là 1.600 euro/tháng (tương đương 43 triệu đồng). Trừ đi chi phí nuôi ngựa và mua xe kéo, dụng cụ đánh bắt… e rằng paardenvisser còn lỗ to.
“Nếu đem lợi ích kinh tế ra đong đo thì cưỡi ngựa đánh tôm đúng là công việc thua lỗ nặng”, Nele cười xòa. Những khi không phải mùa tôm, chị thường chỉ bắt được tầm 1kg/ngày và để ăn chứ không bán.
Lợi ích duy nhất của paardenvisser là đánh bắt bền vững. Nhờ thiết bị nhẹ, nó không gây thiệt hại cho đáy biển. Trong thời đại cần và phải nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái ngày nay, nó được hoan nghênh.
“Paardenvisser là bản sắc và niềm tự hào của Oostduinkerke”, Nele khẳng định. Trong quảng trường thị trấn và dọc theo bãi biển, người dân ở đây dựng nhiều tượng ngư dân cưỡi ngựa. Tháng 6 hàng năm, họ tổ chức lễ hội tôm trong 2 ngày, thu hút hàng vạn du khách quốc tế.
Trên tất cả, cưỡi ngựa bắt tôm là… sở thích chữa lành tâm hồn. “Khi cưỡi ngựa bắt tôm, thế giới dường như chỉ có tôi, con ngựa và biển cả”, Nele chia sẻ. “Không gian bao la và sự tĩnh lặng bao quanh khiến tôi cảm thấy thật yên bình. Thời gian dường như ngừng trôi và tôi không vướng bận chút âu lo nào hết”.