Kinh doanh ngưng trệ…
Nắng nóng gay gắt tiếp diễn tại Thanh Hóa, nhiệt độ đỉnh điểm trong ngày đều hơn 40 độ C. Trong khi đó, nhiều ngày qua xảy ra tình trạng cắt điện để giảm tải. Việc cắt điện này chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Do tình trạng mất điện nhiều ngày, quán ăn sáng của gia đình anh Cao Đình Chiến (27 tuổi, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống) phải tạm đóng cửa. Anh Chiến cho biết, mấy ngày qua, do lịch cắt điện luân phiên nên thực phẩm trong tủ lạnh không được bảo quản, quán thì nóng, không có khách ghé ăn.
Để không bị gián đoạn việc kinh doanh, anh Chiến quyết chi tiền mua một chiếc máy phát điện cũ công suất 7 kW, đủ để chạy 5 quạt, một tủ lạnh, 2 điều hòa của quán ăn với giá 10 triệu đồng. Nhiều gia đình ở nông thôn không có điều kiện mua máy phát điện thì mua quạt tích điện hoặc dùng quạt bằng mo cau.
Anh Phạm Công Trình (35 tuổi, trú tại xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương) cho biết, mấy ngày qua, 4 người trong gia đình anh mệt mỏi, không ngủ được vì nhà liên tục rơi vào lịch cắt điện.
“Trời đã oi nóng, khó chịu, lại thêm cảnh mất điện khiến cả nhà mất ngủ. Vợ chồng tôi còn cố gắng chịu được, nhưng qua mấy hôm hai cháu nhỏ mệt mỏi, quấy khóc liên tục”, anh Trình nói.
“Cứ cách một ngày lại cắt điện một ngày, họ thường cắt từ 1 giờ sáng hôm nay đến 1 giờ sáng hôm sau khiến dân chúng tôi khốn đốn. Đi gặt về nắng nóng mà không có điện khổ vô cùng, ăn được bữa cơm thì mướt mồ hôi”, ông Nguyễn Văn Lưu, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa than thở. Cũng theo ông Lưu, do mất điện, các con ông đang mùa thi phải chong đèn học, học xong lại trải chiếu ra sân ngủ.
Phía Công ty Điện lực Thanh Hóa cho hay, do nắng nóng cực đoan kéo dài, nên trong những ngày qua, khả năng cung ứng điện trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 70 - 75% công suất.
Bà Hoàng Thị Yến, Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Thanh Hóa, cho biết, trước tình trạng nắng nóng như hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện cắt điện luân phiên trong nhân dân để giảm tải, đồng thời ưu tiên cung cấp điện sản xuất kinh doanh, phục vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
“Với tình hình nắng nóng như hiện nay, chúng tôi cũng tính tới phương án cắt giảm lượng điện tại các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, để việc cắt giảm không ảnh hưởng lớn tới sản xuất, chúng tôi đã mời các khách hàng về công ty làm việc để kêu gọi tiết kiệm điện, đề nghị một số doanh nghiệp giảm công suất, hoặc những đơn vị doanh nghiệp mà có ít đơn hàng họ cũng tự cắt giảm. Phương châm của ngành điện là ưu tiên cho hoạt động du lịch trên địa bàn, tuy nhiên phải dựa trên kế hoạch sản xuất”, bà Yến thông tin.
Cũng theo bà Yến, việc cung cấp điện trên địa bàn các tháng nắng nóng năm 2023 dự kiến sẽ còn kéo dài, Công ty Điện lực Thanh Hóa rất cần sự chia sẻ, cảm thông của nhân dân và các doanh nghiệp trong giai đoạn hết sức khó khăn này. Về phía Công ty Điện lực Thanh Hóa sẽ tập trung tính toán cung cấp điện một cách hợp lý để có thể thông báo cho các doanh nghiệp, nhân dân chủ động về sản xuất, sinh hoạt.
Người đàn ông này phải mua máy phát điện đã qua sử dụng để tiết kiệm chi phí. |
Học sinh, người dân khốn đốn
Do nắng nóng kéo dài, hơn 1 tuần qua, Nghệ An đã cắt điện luân phiên tại 21 huyện, thị xã, thành phố nhằm giảm tải. Tại huyện miền núi Quỳ Châu, các em học sinh lớp 12 Trường THPT Quỳ Châu sắp bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải ôn bài buổi tối nhờ ánh đèn flash của điện thoại.
Thầy Cao Thanh Lưu, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Châu, cho biết, việc ôn luyện buổi tối được tổ chức theo nguyện vọng của học sinh lớp 12. Một tuần trường tổ chức 3 - 4 buổi phụ đạo các môn thi tốt nghiệp, mỗi lớp khoảng 20 - 30 em tham gia.
Ngoài một hôm trời mưa to, thì có những buổi tối bị cắt điện theo lịch. Dù nhà trường có một máy phát, nhưng do công suất nhỏ nên không đủ tải cung cấp điện cho các dãy phòng học.
Thầy Phan Văn Loan, giáo viên dạy Toán của nhà trường, chia sẻ, bản thân cảm nhận được sự nỗ lực của học trò, dù mất điện nhưng vẫn dùng đèn điện thoại hoặc đèn pin để học hết buổi. Nhiều bữa nóng bức, thầy trò phải quạt tay liên tục, thỉnh thoảng lấy vạt áo lau mồ hôi.
Em Mai Hoàng, học sinh lớp 12A1, cho biết, học sinh của trường hầu hết ở xa, cách trường khoảng 15 - 20 km nên phải ở nội trú hoặc thuê trọ. Từ tháng 3 đến nay, ngoài học trên lớp, Hoàng và một số bạn bị hổng kiến thức nhờ thầy cô ôn luyện thêm vào buổi tối, mỗi tuần ôn một môn.
Được biết, Trường THPT Quỳ Châu có 466 em học sinh lớp 12 sắp thi tốt nghiệp THPT. Các em sẽ học ôn 2 tuần nữa, sau đó nghỉ ngơi vài ngày trước khi làm thủ tục tham dự kỳ thi.
Ngoài ảnh hưởng đến việc học tập, tình trạng nắng nóng và mất điện cũng gây ra thiệt hại đến kinh tế của người dân. Nhiều trang trại nuôi gà chịu thiệt hại nặng vì mất điện.
Đơn cử, trang trại gà của anh Nguyễn Văn Bình (ở xóm Kim Phúc, xã Nghi Ân, TP Vinh) bị chết khoảng 5.000 con gà 60 ngày tuổi, tổng trọng lượng ước tính khoảng 7,5 tấn. Anh Bình cho biết, gà chết do thời tiết nắng nóng, điện lưới mất đột ngột. Mặc dù, gia đình đã chuẩn bị phương án đối phó, đầu tư mua sắm máy phát điện, nhưng do máy phát điện gặp sự cố nên không thể cứu được đàn gà.
Người dân ở Nghệ An bật quạt chống nóng cho trang trại gà. |
Ngày 4/6, trại gà của ông Cao Văn Thìn (ở xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu) và trại gà của ông Nguyễn Đồng (ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu) cũng gặp tình cảnh tương tự, gia cầm bị chết hàng loạt do mất điện.
Trong đó, gia đình ông Cao Văn Thìn bị chết 1.000 con gà, gia đình ông Nguyễn Đồng chết 400 con gà thịt gần đến ngày xuất chuồng. Được biết, các chủ trại gà này đã chủ động phương án dự phòng máy phát điện ngay tại chỗ, nhưng do máy gặp sự cố đúng thời điểm mất điện nên không kịp trở tay.
Dự báo mùa Hè năm nay, các tỉnh miền Trung nắng nóng sẽ khốc liệt hơn năm trước, bên cạnh đó tình hình thiếu điện sẽ còn kéo dài.