Vật vã ôn thi trong điều kiện thiếu điện trầm trọng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sắp diễn ra, thế nhưng, tình trạng thiếu điện, đang trở nên "cam go" cho thầy, trò nhiều trường học ở Thanh Hóa.

Thầy giáo Trường THPT Dân tộc Nội trú Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đang hướng dẫn học sinh ôn thi. Ảnh: Thế Lượng.
Thầy giáo Trường THPT Dân tộc Nội trú Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đang hướng dẫn học sinh ôn thi. Ảnh: Thế Lượng.

Ôn tập trong “lò nung”... do thiếu điện

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa, các "sĩ tử" sẽ bước vào kỳ "vượt vũ môn" cực kỳ quan trọng của 12 năm đèn sách. Thời điểm này, thầy và trò các trường THPT đang ở giai đoạn ôn thi "nước rút". Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện sinh hoạt, điện lưới quốc gia "phập phù" liên tục, thậm chí có thời điểm mất điện cả ngày, khiến việc ôn thi của học sinh bị ảnh hưởng không nhỏ.

Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tình trạng điện sinh hoạt “phập phù”, thậm chí nhiều nơi bị cắt điện cả ngày, đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân. Đặc biệt, đây là thời điểm học sinh khối 12 các trường THPT đang ôn tập ở giai đoạn “nước rút” để chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp, lại càng bị ảnh hưởng.

Ở một số huyện miền núi và cả đồng bằng, thành thị, tình trạng cắt điện diễn ra khá nhiều trong ngày, thậm chí có huyện còn bị mất điện cả ngày lẫn đêm. Vì vậy, việc ôn thi tốt nghiệp của học sinh đang trở nên vô cùng vất vả. Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt, trời nắng nóng gay gắt, có nơi ghi nhận nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 400C.

Nắng nóng quá, mà điện lưới quốc gia thì mất liên tục. Thậm chí, người ta cắt điện cũng không báo cho người dân biết lịch như trước đây nữa. Biết rằng, nắng nóng, thiếu nguồn nước, nên việc thiếu điện sẽ khó tránh khỏi. Thế nhưng, thời điểm này đang rơi vào giai đoạn ôn thi căng thẳng của học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng sắp tới.

Thầy, trò Trường Trung cấp nghề Thạch Thành (Thanh Hóa) ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: TL.

Thầy, trò Trường Trung cấp nghề Thạch Thành (Thanh Hóa) ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: TL.

“Không có điện sáng, không có quạt mát, khiến thầy, trò chúng tôi không tài nào chịu nổi dưới thời tiết nóng như “lò nung” như vậy. Mặc dù nhà trường cũng đã dự phòng một máy phát điện, để phục vụ học sinh ôn tập ở lớp. Thế nhưng, có chạy máy phát điện, thì cũng chỉ là giải pháp tình huống mà thôi.

Còn nữa, học sinh không phải chỉ ôn tập ở trường, mà tối đến, các em còn phải ôn tập ở nhà nữa, nhưng không có điện sinh hoạt, thì các em cũng không thể nào ôn tập tốt được. Đây là một vấn đề đáng lo lắng cho chất lượng và hiệu quả của kỳ thi sắp tới”, một hiệu trưởng trường THPT ở miền núi Thanh Hóa tâm sự.

Chủ động chuyển khung giờ ôn thi

Thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết, trước tình trạng hay mất điện giữa thời tiết nóng bức, nhà trường đã chủ động chuyển đổi khung giờ ôn thi, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Theo đó, những hôm trời nóng quá, lại hay mất điện, thì nhà trường chạy máy phát điện và tổ chức cho học sinh ôn tập vào buổi sáng và buổi tối.

Cũng theo thầy Đạo, những hôm mất điện kéo dài, nhà trường phải chạy máy phát điện để phục vụ việc ôn thi. Tuy nhiên, nhà trường cũng rất lo lắng nếu tình trạng thiếu điện cứ liên tục kéo dài, thì sẽ ảnh hưởng đến việc ôn thi cũng như sức khỏe của học sinh và giáo viên.

Là phụ huynh có con gái chuẩn bị tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, ông Vi Văn Tân, ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), than vãn rằng, bản thân ông và những người lớn, khi mất điện trong thời tiết khắc nghiệt này, còn “cắn răng” chịu đựng được.

“Khổ nhất là bọn trẻ đang tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT, các cháu phải chịu sức ép rất nặng nề và căng thẳng. Ban ngày, các cháu đến trường ôn thi cũng chịu cảnh nóng bức vì không có điện. Ban đêm, về nhà, thời tiết ngột ngạt, điện lưới lại không có, nên cháu không tập trung ôn thi được.

Có hôm, khoảng 12h đêm mới có điện, nên con gái tôi lại tranh thủ ôn thi từ thời điểm đó cho đến khoảng 3h sáng, mới buông bút chợp mắt được một lúc rồi phải dậy để đến trường ôn thi. Nếu cứ kéo dài tình trạng như thế này, không biết các cháu có đủ sức để bước vào kỳ thi nữa không, hay lại lăn ra ốm thì coi như thất bại”, ông Tân bộc bạch.

Lực lượng Điện lực Quan Sơn (Thanh Hóa) khắc phục sự cố trên dây. Ảnh: TL.

Lực lượng Điện lực Quan Sơn (Thanh Hóa) khắc phục sự cố trên dây. Ảnh: TL.

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Hoàng Thanh Sơn - Giám đốc Điện lực Thanh Hóa cho biết, trong mấy ngày vừa qua, do trời nắng nóng, tình trạng thiếu nguồn điện diễn ra rất căng thẳng. Do đó, đối với địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh ở miền Bắc, đều phải hạn chế, tiết giảm, thực hiện cắt điện luân phiên.

“Đối với trục đường dây từ Bá Thước lên các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát và kể cả phía huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh... cũng bị ảnh hưởng bởi việc cắt điện tiết giảm. Do đó, ngành Điện cũng rất mong bà con chia sẻ trong lúc khó khăn này”, ông Sơn nói.

Cũng theo Giám đốc Điện lực Thanh Hóa cho hay, chiều ngày 5/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Điện lực Thanh Hóa đã làm việc, báo cáo trực tiếp với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, trong đó có cả vấn đề cấp điện để phục vụ kỳ thi. Theo đó, khi diễn ra kỳ thi, thì Điện lực Thanh Hóa sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo 100% có điện tại các điểm thi trong những ngày diễn ra kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT sắp tới.

“Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các Điện lực huyện bám sát, phối hợp với ngành Giáo dục để nắm bắt các điểm thi. Tất cả các điểm thi sẽ phải được ưu tiên về điện. Nếu trong trường hợp có vướng mắc, thì ngành Điện sẽ bố trí 100% người trực, bố trí máy phát dự phòng cho các điểm thi dù có bất kỳ tình huống nào xảy ra, thì vẫn phải có điện cho các cháu thi”, ông Sơn khẳng định.

“Hôm qua (ngày 5/6) do trời đã có mưa to, nhiệt độ giảm xuống, nên nhà trường không tổ chức ôn tập buổi tối nữa, mà chuyển ôn tập sang khung giờ từ 16h-18h. Còn lịch ôn thi chính thức vẫn tiến hành vào các buổi sáng trong tuần.

Bên cạnh đó, nhà trường tập trung ôn thi tăng cường cho các nhóm để nâng cao chất lượng, thì linh động tùy thuộc vào từng hôm. Thầy cô sẽ chủ động để thu xếp sao cho phù hợp với từng nhóm, từng thời điểm theo thời tiết”, thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.