New York chống biến đổi khí hậu
Cụ thể, thị trưởng thành phố, ông Bill de Blasio, công bố kế hoạch mở rộng đường bờ biển Manhattan ở East River nhằm bảo vệ khu Lower Manhattan trước các mối nguy hiểm liên quan tới nóng lên toàn cầu.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến New York và các khu vực ven biển khác theo 2 cách. Thứ nhất, nước biển dâng sẽ gây ngập lụt một phần thành phố. Thứ hai, biến đổi khí hậu khiến cho những cơn bão biển tiến sâu hơn vào đất liền và duy trì lâu hơn.
Theo ước tính mới nhất, đến năm 2050, có tới 37% bất động sản ở Lower Manhattan bị bão biển đe dọa. New York dành 500 triệu USD cho công tác phòng chống biến đổi khí hậu.
Đám mây khác thường và hiếm gặp
Người dân Oman và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vừa có dịp chiêm ngưỡng hiện tượng khí quyển kỳ lạ và hiếm gặp - đó là “lỗ mây”. Lỗ mây là khoảng trống lớn, có thể xuất hiện trong các đám mây ti tích hoặc mây trung tích.
Để có được hiện tượng này, các đám mây phải lạnh đi rất nhiều. Nhiệt độ các đám mây có thể giảm xuống dưới - 30 độ C. Đồng thời không xảy ra hiện tượng nước đóng băng thành hạt trong các đám mây đó.
Quá trình này gọi là siêu lạnh của nước (quá trình giảm nhiệt độ của nước xuống dưới điểm đông đặc mà không chuyển thành thể rắn).
Sắp có trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới
Trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới chuẩn bị được xây dựng tại thành phố Ballangen (Na Uy) nằm trong vòng cực Bắc. Đại diện Công ty Kolos chịu trách nhiệm thực hiện đề án cho biết khu vực vòng cực Bắc có nhiều diện tích trống, năng lượng Mặt trời và nguồn nước dồi dào.
Nguồn nước là yếu tố quan trọng để làm nguội các máy chủ lưu trữ dữ liệu. Trung tâm sẽ là nơi lưu giữ các dữ liệu quan trọng nhất từ các công ty trên thế giới. Trung tâm có 4 tầng với tổng diện tích sử dụng là 600.000 m2.