Siêu máy tính nửa tỷ đô la sẽ xuất hiện vào năm 2021

GD&TĐ - Để duy trì vị trí dẫn đầu về siêu máy tính, Mỹ đã rút hơn 500 triệu đô la từ ngân sách để xây dựng chiếc máy tính “exascale” đầu tiên trên thế giới vào năm 2021. Hệ thống mới với tên gọi là Aurora sẽ có hiệu năng ít nhất là 1 exaflop, tương đương với việc hoàn thành 1 tỷ tỷ phép tính mỗi giây. Điều này sẽ khiến nó mạnh hơn gấp năm lần so với siêu máy tính hàng đầu hiện nay của thế giới - Summit, cũng được đặt tại Mỹ.

Mô hình siêu máy tính trong cuộc đua công nghệ
Mô hình siêu máy tính trong cuộc đua công nghệ

Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, Tập đoàn Intel sẽ giúp xây dựng siêu máy tính này. Để đạt được hiệu năng vượt trội tầm cỡ

exascale, siêu máy tính Aurora sẽ sử dụng chip silicon mới từ nhà máy chuyên sản xuất công nghệ cao thuộc trung tâm dữ liệu của Intel, bao gồm dòng vi xử lý Xeon Scalable và công nghệ bộ nhớ liên tục Optane DC.

Kế hoạch xây dựng máy tính exascale chỉ trong vòng ba năm nghe như một tham vọng quá lớn, nhưng các nhà phát triển vẫn tự tin rằng mục tiêu có thể đạt được trước thời hạn là năm 2021. “Việc nghiên cứu và phát triển exascale đã diễn ra trong hơn một thập kỷ”, Rick Stevens, Phó Giám đốc tại Phòng Thí nghiệm quốc gia Argonne ở Illinois - nơi siêu máy tính sẽ được chế tạo - tiết lộ. Trong một cuộc họp báo, Stevens cho biết, ông hy vọng sẽ tiếp tục có những đổi mới trong điện toán exascale trong vòng ba năm tới, điều này sẽ giúp mở đường cho cỗ máy mới.

Hiện tại, Phòng thí nghiệm và Tập đoàn Intel từ chối cung cấp các chi tiết kỹ thuật đằng sau các quy trình cung cấp năng lượng cho chiếc siêu máy tính mới. Tuy nhiên, hệ thống mới sẽ sử dụng các thành phần được tạo ra bởi công nghệ đóng gói 3D của Intel, qua đó có thể sản xuất chip gọn hơn, tiết kiệm điện hơn.

Thời gian sẽ đem tới câu trả lời rằng liệu Mỹ thực sự sẽ là quốc gia đầu tiên đạt được tính toán tầm cỡ exascale. Đối thủ lớn nhất của đất nước này là Trung Quốc, quốc gia đang sở hữu siêu máy tính mạnh thứ ba và thứ tư trên thế giới. Theo báo cáo, chính phủ Trung Quốc đã tạo ra một máy tính exascale bản mẫu và có thể sẽ được vận hành trong năm 2020.

Mặc dù hợp đồng cho Aurora có giá trị lên tới hơn 500 triệu USD, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết, họ hy vọng khoản đầu tư này sẽ được đền đáp. Siêu máy tính sẽ mở ra cơ hội cho các nhà nghiên cứu nhanh hơn trong việc tạo ra các mô hình và mô phỏng điện toán được thiết kế để trả lời các câu hỏi liên quan đến vật lý, thuốc và kỹ thuật, như những vật liệu xây dựng mới nào có thể được sử dụng cho máy bay và pin mặt trời.

“Đạt được tính toán exascale là điều bắt buộc không chỉ để cải thiện cộng đồng khoa học, mà còn để cải thiện cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ”, Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Rick Perry nói trong một tuyên bố. “Aurora và các siêu máy tính

exascale thế hệ tiếp theo sẽ áp dụng công nghệ HPC (điện toán hiệu năng cao) và công nghệ AI cho các lĩnh vực như nghiên cứu ung thư, mô hình khí hậu và phương pháp điều trị sức khỏe cho các cựu chiến binh”, ông nói thêm.

Theo PCMag.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.