Cuộc sống "cấm cung" của cậu em công tử bột

GD&TĐ - Tôi nhớ, vài chục năm trước, mỗi dịp lễ - tết gia đình các cô chú cùng nhau tề tựu tại nhà tôi, không khí vô cùng náo nhiệt.

Cuộc sống "cấm cung" của cậu em công tử bột

Có lần, mọi người bày biện cỗ xong thì giục nhau vào ăn, cô tôi đứng bật dậy, giọng thất thanh: “Tuấn! Tuấn ơi! Con đâu rồi?”. Lúc ấy chú tôi đã yên vị tại mâm uống rượu cùng mấy vị khách mà vẫn bị cô kéo ra bằng được: “Anh ơi, đi tìm thằng Tuấn về đây cho em, vừa sểnh mắt một cái là không thấy nó đâu nữa”.

Chú tôi cáu: “Ui giời, chắc nó đi chơi với mấy đứa trẻ con, có gì đâu mà em làm như cháy nhà không bằng”. Trước thái độ bình thản của chú, cô càng nổi điên: “Nó là con trai của anh đấy! Anh không xót con à? Anh đi tìm nó về đây cho em, chết tôi rồi, hay là nó ngã xuống ao?”.

Cũng vì ý nghĩ ấy, cô tôi chạy bắn ra bờ ao, dùng một chiếc sào dài, khua khoắng khắp mặt ao, vừa khua vừa gân cổ lên gọi: “Tuấn ơi Tuấn! Con đâu rồi?”. Chú tôi vừa cười vừa giằng chiếc sào khỏi tay cô: “Khổ quá! Em bình tĩnh lại đi, em làm sao đấy? Nếu ngã xuống ao, nó phải nổi lên chứ”.

Chú nói thế nào cũng không khiến cô bình tĩnh trở lại, cô vừa khóc vừa than trách: “Tại sao anh không trông con? Lúc nãy em chỉ đứng dậy đi pha ấm trà thôi, ngoảnh lại đã không thấy con đâu. Làm thế nào bây giờ? Nó mà có chuyện gì, em sẽ không sống nổi”.

Đúng lúc cô tuyệt vọng nhất, giọng Tuấn vang lên: “Bố mẹ ơi! Con vừa bắt được con nuồng nuỗng to ơi là to”. Cô tôi như vừa chết đi sống lại, chạy đến chỗ Tuấn, bế thốc cậu lên: “Con vừa đi đâu hả? Sao không nói với mẹ?”. Tuấn ngơ ngác: “Con theo chị Hạnh sang nhà bác Chiêm chơi”. Tôi biết, khi đó cô giận Hạnh tím mặt nhưng vì cả nể thím Sang – mẹ Hạnh – nên cô không dám cằn nhằn câu nào.

Cũng từ hôm ấy, biệt danh “công tử bột” gắn liền với Tuấn. Càng lớn, Tuấn càng ít được về quê. Tôi không rõ là cậu không thích về hay cô chú không cho cậu về, nhưng tôi để ý, cứ chốc chốc, cô lại mở điện thoại, hí hoáy bấm, dặn dò đủ thứ: “Con ơi, thức ăn mẹ chế biến sẵn để trên bàn, con dậy thì cho vào lò vi sóng, quay tầm 70 giây là ăn được nhé, mà con nhớ lần trước mẹ hướng dẫn cách sử dụng lò như thế nào không?”; “Con à, con dậy đánh răng rửa mặt chưa? Mẹ mới mua rất nhiều sữa tươi để trong tủ lạnh, con nhớ lấy ra uống nhé”; “Con ơi, nếu muốn ăn xúc xích thì con cho vào nồi luộc, đừng rán, ăn nhiều dầu mỡ không tốt đâu…”.

Chính cô cũng nhận ra việc quản lí Tuấn kèn kẹt như thế khiến cô mệt mỏi, nhưng cô không có cách nào tự giải thoát cho bản thân. Tuấn đỗ đại học, cô chú mở tiệc ăn mừng, tôi cũng đến. Bao năm chưa được gặp cậu em họ, tôi vừa vui, vừa tò mò, không biết “công tử bột” bây giờ khác trước ra sao.

Nhưng đợi mãi không thấy Tuấn xuất hiện, tôi lấy làm lạ, hỏi cô: “Cô ơi, em đâu rồi ạ?”. Cô chỉ tay lên gác: “Em đang chơi điện tử trên kia, lát em xuống”. Tôi kinh ngạc: “Nghĩa là em nó ngồi máy từ sáng đến giờ ạ?”. Cô phẩy tay như không có chuyện gì: “Như thế còn hơn để nó ra ngoài, cô chỉ sợ nó lêu lổng chơi với bọn xấu thì chết dở”.

Qua giờ ăn trưa vẫn không thấy Tuấn xuống, tôi không muốn về mà chưa được gặp em nên xin phép cô lên gặp Tuấn một lát. Tôi không ngờ, cậu em trai 18 tuổi của mình lại chấp nhận cuộc sống “cấm cung” như thế. Lúc nói chuyện với tôi, mắt Tuấn vẫn dán vào màn hình, tay liên tục nhấp chuột. Tôi hỏi thẳng: “Sắp vào đại học rồi, em định thế nào? Chả nhẽ vẫn để mẹ đưa đón đến trường à?”.

Tuấn có vẻ bức xúc: “Em muốn tự đi học lắm chứ, đi xe đạp cũng được chị ạ, nhưng mẹ em không chịu, mẹ cứ đòi đưa đón em. Chị biết không, bây giờ em thò chân ra đường là mẹ rú lên, lúc nào mẹ cũng ám ảnh em bị tai nạn hoặc bị bọn xấu bắt cóc, bó tay chị ạ!”.

Hồi ấy tôi đang là sinh viên năm cuối ngành Tâm lý học, tự tin với vốn kiến thức sẵn có, tôi mạnh dạn khuyên nhủ cô: “Cô à, cháu biết, việc cô dành nhiều thời gian quan tâm, giáo dục và quản lý Tuấn là hết sức cần thiết. Nhưng nếu sự quản lý quá chặt chẽ thì kết quả có thể sẽ là ngược lại, khiến Tuấn quá lệ thuộc bố mẹ. Nếu cô cứ thế này mãi, tính độc lập, tự chủ ở em sẽ không có cơ hội được hình thành và phát triển”.

Tôi biết sự thẳng thắn của mình đã chạm nhẹ vào lòng tự ái của cô. Nhưng nếu không nói ra, tôi cũng không an lòng, vì trách nhiệm với nghề, tôi không cho phép mình thờ ơ trước sự việc.

Cô tôi vẫn đều đặn đưa đón Tuấn đi học cho đến giữa năm thứ 2 đại học, khi sự việc không may xảy ra, trong lúc sang đường, một thanh niên đi ngược chiều đâm vào khiến cô và Tuấn lăn kềnh ra đường, Tuấn ngồi phía sau nên bị văng khá xa, chấn thương nặng hơn cô nhiều.

Khỏi phải nói, cô tôi sốc đến nhường nào. Nhưng cũng sau cú ngã ấy, cô tôi nhận ra rằng, sự bao bọc kĩ lưỡng quá mức của cô chẳng thể ngăn được những chuyện xấu, thậm chí hậu quả còn nặng hơn. Cô dằn vặt bản thân rất nhiều vì cho rằng chính mình đã khiến con trai bị thương nặng.

Cũng may, Tuấn còn trẻ nên hồi phục nhanh chóng, cậu cũng không trách móc gì mẹ, thay vào đó là một thỉnh cầu: “Mẹ để con tự đi học nhé”.

Đó là khởi đầu cho những tiến bộ sau này của Tuấn. Tôi cũng phải làm công tác tư tưởng cho cô để cô hoàn toàn an tâm khi để Tuấn dần dần làm chủ cuộc sống của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ