Sáng Chủ nhật, dù trời lạnh nhưng không gian Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vẫn nhộn nhịp dòng người. Họ là những người tự nguyện đặt lịch đến với điểm hẹn lịch sử đặc biệt này để cùng bước vào câu chuyện của “Âm vang Đông Sơn”…
Bất ngờ từ chuyên gia
Là người nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Đông Sơn, đặc biệt với trống đồng Đông Sơn, PGS.TS Phạm Minh Huyền (nguyên cán bộ Viện Khảo cổ học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), rất quan tâm đến buổi tọa đàm “Âm vang Đông Sơn” do Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức.
Biết là buổi trò chuyện của GS.TS Trịnh Sinh (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và TS Nguyễn Anh Thư (Đại học Văn hóa Hà Nội) về lĩnh vực này, bà liền đăng ký qua fanpage của bảo tàng cùng chủ ý đến nghe xem có ý kiến gì mới về lĩnh vực mình đã dành nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu. Bởi vậy, dù đã ngoài tuổi 70 và thời tiết lạnh nhưng bà chẳng ngại ngần dậy sớm, bắt xe ôm và đến đúng giờ.
Điều thú vị, dù ban đầu xuất hiện với tư cách là một khách tham quan, không phải khách mời chính thức nhưng ngay khi biết PGS.TS Phạm Minh Huyền là chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn, Ban tổ chức đã mời bà trò chuyện cùng công chúng.
Bên cạnh những câu chuyện quen thuộc về trống đồng Đông Sơn, bà Huyền đặc biệt bày tỏ sự quan tâm về các mảnh khuôn đúc đồng được tìm thấy gần đây ở Luy Lâu (Bắc Ninh). Với bà, đây cũng là lần đầu được tiếp cận trực tiếp với những hiện vật rất quý này.
“Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh rằng, các bạn trẻ đến với buổi tọa đàm xuất phát từ sự tự nguyện, nhu cầu của bản thân chứ không phải từ tâm thế bị bắt buộc, gượng ép. Vì thế không khó để lý giải vì sao ai cũng chăm chú lắng nghe và theo sát đến hoạt động cuối cùng. Điều này rất cần được phát huy, đẩy mạnh, nhất là đối với các cơ sở đào tạo như Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội…” - PGS.TS Phạm Minh Huyền nguyên cán bộ Viện Khảo cổ học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
“Trước khi đến đây, tôi mới chỉ nắm được thông tin bảo tàng phối hợp với một số đơn vị đã khai quật ở Luy Lâu và tìm thấy những mảnh khuôn đúc trống đồng. Lần này được tận mắt nhìn thấy chính là một cái mới so với những gì tôi đã nghiên cứu trong nhiều năm qua.
Theo tôi, đây là những bằng chứng xác thực, sinh động về nền văn hóa Đông Sơn thực tế là của người Việt. Dù niên đại những di chỉ này là muộn, sau Đông Sơn nhưng nó nói lên sức sống của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Đông Sơn nói riêng”, PGS.TS Phạm Minh Huyền nhấn mạnh.
Cùng với sự hào hứng trong việc được tiếp nhận thêm một nội dung mới đặc biệt quan trọng về trống đồng Đông Sơn, vị chuyên gia này còn bày tỏ ấn tượng khi được trao đổi với những người trẻ có thể là sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, cũng có thể là những người đang làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã quan tâm và cùng đến tham gia cuộc tọa đàm này.
Ngoài chuyện không mặc định Chủ nhật là ngày nghỉ, họ còn không quản ngại cái rét đầu Đông đủ làm bao người ngại ra khỏi nhà và có mặt rất đúng giờ. Ai cũng tập trung trong suốt khoảng thời gian sự kiện diễn ra.
“Tôi rất xúc động khi thấy nhiều bạn trẻ quan tâm đến những câu chuyện về di tích lịch sử, các nền văn hóa của Việt Nam. Họ lắng nghe rất chăm chú, đến lúc ra về vẫn còn nhiều người nán lại hỏi.
Đây là điều đáng mừng vì qua đây cho chúng tôi niềm tin rằng: Ngày càng nhiều người yêu thích việc tìm hiểu sâu về lịch sử, cội nguồn của văn hóa Việt Nam; càng thấy tác dụng của ngành Lịch sử nói chung cũng như ngành Khảo cổ học nói riêng đối với nhu cầu tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam từ xa xưa trong giới trẻ.
Sự tìm hiểu này ngày càng được đi sâu, mở rộng và tăng thêm sự trân trọng đối với các giá trị cha ông đã dày công xây dựng, vun đắp từ thuở ban đầu”, PGS.TS Phạm Minh Huyền bày tỏ.
PGS.TS Phạm Minh Huyền tình cờ tham gia buổi trò chuyện. Ảnh: Bình Thanh. |
Cách thức mới mẻ
Gần 100 người, trong đó phần lớn là sinh viên đến từ Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, đã đến tham dư buổi tọa đàm “Âm vang Đông Sơn” được tổ chức gắn liền triển lãm chuyên đề cùng tên của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Nhưng khác với thông lệ, buổi tọa đàm này không phải là cuộc họp trong phòng kín cùng những trình bày, trao đổi trầm lắng, ngắt quãng, buồn tẻ mà có các hoạt động khá mới mẻ, thú vị.
Đó là, ngay khi hiện diện tại không gian cổ kính ôm chứa biết bao câu chuyện lịch sử cần khám phá, mọi người được bước vào phòng trưng bày chuyên đề “Âm vang Đông Sơn” để cùng chiêm ngưỡng những hiện vật của nền văn hóa Đông Sơn cách đây hàng nghìn năm.
Cùng với việc lắng nghe lời thuyết minh truyền cảm của hướng dẫn viên, không ít bạn trẻ còn có những quan sát tỉ mỉ và bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những hiện vật được làm nên từ sức sáng tạo đầy tài hoa của cha ông.
Sau một vòng tham quan, mọi người cùng dừng chân bên trống đồng được phục dựng trên cơ sở nghiên cứu các mảnh khuôn đúc trống đã khai quật tại Luy Lâu và nghe GS.TS Trịnh Sinh chia sẻ niềm tự hào về sức lan tỏa của văn hóa Đông Sơn, nhất là trống đồng đến với nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Indonesia, Lào, Thái Lana…
GS.TS Trịnh Sinh cũng nhấn mạnh về sự đặc biệt của quá trình tạo ra loại nhạc cụ độc đáo này, tuy hiện nay có nhiều phương pháp đúc nhưng vẫn chưa thể sử dụng cách đúc ngày xưa và đạt được sự tương đồng như phiên bản gốc.
Nối tiếp đó là trò chuyện của TS Nguyễn Anh Thư về tên gọi “Âm vang Đông Sơn” cùng kỹ thuật chế tác, đặc trưng của các di vật thời kỳ này thông qua hiện vật trưng bày tại bảo tàng cũng rất tâm huyết, cụ thể.
Dù trời lạnh nhưng nhiều bạn trẻ quan tâm đến buổi tọa đàm 'Âm vang Đông Sơn'. Ảnh: Bình Thanh. |
Có thể thấy, những bài nói chuyện trực tiếp này của các chuyên gia thêm sinh động và thu hút sự quan tâm của nhiều người khi diễn ra ngay tại không gian trưng bày.
Có lẽ, mỗi hiện vật là một chất xúc tác vừa đem đến cho diễn giả nguồn cảm hứng chia sẻ vừa là dẫn chứng để mọi ngưòi có thể quan sát đồng thời được hiểu sâu hơn về chúng qua các dẫn giải của diễn giả.
“Em hứng thú và tập trung hơn khi nghe diễn giả trò chuyện ngay tại phòng trưng bày, thay vì ngồi trong phòng họp cùng màn hình máy chiếu. Việc được trực quan sinh động như thế có lẽ là mong muốn khác của giới trẻ khi tiếp cận với di sản văn hóa”, Lê Phương Anh - sinh viên năm thứ 2, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, nói.
Đến từ sớm và theo sát chương trình từ đầu đến cuối, Phương Anh cho biết thêm, cô đặc biệt ấn tượng khi được nghe câu chuyện về hiện vật trống đồng Đông Sơn lớn nhất Việt Nam - Trống đồng Sao Vàng.
Đó là một trong những hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Theo lời thuyết minh thì còn là trống đồng lớn nhất hiện nay, đang được đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia.
Cô sinh viên này đặc biệt ấn tượng về hoa văn ký hiệu trên mặt trống thể hiện đời sống của người Việt cổ ra sao, qua đó cho thấy nét văn hóa của nền văn minh lúa nước như thế nào.
Cùng với đó, Phương Anh cũng quan tâm đến các mảnh ghép nhỏ được khai quật ở Luy Lâu và bày tỏ sự khâm phục về sự tài tình của các nghệ nhân đã phục dựng mặt trống đồng từ chúng, dù không dễ dàng mà vẫn đạt được những giá trị nghệ thuật cao.
Và cô càng khâm phục hơn về sự hiểu biết cũng như kỹ thuật của người Việt cổ đã rất phát triển. Cách đây hàng nghìn năm, người Việt cổ nghĩ được cách chế tạo ra khuôn đúc, kỹ thuật đúc ra trống hoàn chỉnh mà như các diễn giả chia sẻ đến hiện nay chưa có ai có thể quay lại việc khôi phục được trống đồng như thế.
Với Lê Thùy Dương, sinh viên năm thứ nhất, khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội thì dịp này giúp cô được biết thêm về nền văn hóa Đông Sơn diễn ra như thế nào và có những sự kiện gì nổi bật, biết được trống đồng Đông Sơn phát hiện ở đâu, có kỹ thuật làm ra sao. Nhờ đó, Thùy Dương biết thêm được nhiều thông tin hữu ích để bổ sung, mở rộng cho môn học về văn hóa - con người Việt Nam mà cô đang học.
Ngoài ra, Thùy Dương còn cho rằng, sự kiện có cách tổ chức rất khoa học khi đưa mọi người tham quan hiện vật trước rồi thuyết minh trưng bày và hai diễn giả chính thức cũng như PGS.TS Phạm Minh Huyền có kiến thức rất đồ sộ, am hiểu về văn hóa Đông Sơn, đã đem lại cho những người tham gia sự kiện nhiều kiến thức bổ ích.
“Em có mong muốn trong sự kiện có thêm hoạt động mini game qua câu hỏi trắc nghiệm để mọi người cùng tham gia, qua đó củng cố kiến thức mới và tăng cường sự giao lưu, giải trí…”, Lê Thùy Dương góp ý.
“Đây là lần đầu em đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và thật may mắn khi được tham gia buổi tọa đàm này. Thực ra trước đó em không cập nhật được tin tức về bảo tàng nhưng vừa rồi Câu lạc bộ tình nguyện viên ở đây thường xuyên có những bài viết truyền thông lan tỏa rộng trên mạng xã hội và liên kết cả với câu lạc bộ các trường nên mọi người được biết đến rộng rãi hơn.
Mong rằng bảo tàng tiếp tục tổ chức những sự kiện hữu ích này bằng hoạt động thú vị, sinh động sẽ thu hút sự quan tâm của công chúng, nhất là với người trẻ”, Lê Phương Anh - sinh viên năm thứ 2, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội