Trang phục giảng đường: Có 'gu' nhưng cần phù hợp

GD&TĐ - Quy định về trang phục của người học khi tới giảng đường được nhiều cơ sở đào tạo áp dụng và nhận được tán thành của sinh viên.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Quy định này phù hợp với môi trường giáo dục và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Xây dựng nét đẹp văn hóa giảng đường

Trường Đại học Y Hà Nội vừa ban hành quy định về trang phục cho sinh viên. Theo đó, nhà trường quy định, sinh viên không được mặc quần ngắn, váy ngắn lộ đầu gối, cạp trễ hay quần jean rách; áo trễ cổ, sát nách, áo ngắn ngang thắt lưng quần; đi dép không có quai hậu; nhuộm tóc màu sặc sỡ, sáng màu.

Quy định này không chỉ áp dụng với sinh viên trong thời gian ở trường, mà cả với hoạt động khác bên ngoài, ví dụ bệnh viện, cơ sở thực hành. Ngoài ra, Trường Đại học Y Hà Nội quy định đồng phục khi sinh viên tham gia các sự kiện.

PGS.TS Lê Đình Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho hay, đây là lần đầu tiên trường ban hành văn bản quy định chi tiết về trang phục sinh viên. Quy định nhằm xây dựng phong cách chuẩn mực, ý thức kỷ luật và tác phong chuyên nghiệp cho sinh viên y khoa - những bác sĩ trong tương lai.

“Chúng tôi chú trọng xây dựng cho sinh viên tính chuyên nghiệp, tác phong nghiêm túc, bởi đây là ngành nghề liên quan đến chăm sóc sức khỏe người bệnh. Trang phục được ví như hoạt động giao tiếp không lời. Trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam sẽ giúp hoạt động giao tiếp trở nên thân thiện, hiệu quả”, PGS.TS Lê Đình Tùng nhìn nhận.

Quy định về trang phục cho sinh viên được Trường Đại học Y Hà Nội xây dựng dựa trên quy định năm 2015 của Bộ Y tế về trang phục đối với người hành nghề khám chữa bệnh, lao động, học viên, sinh viên và người thực hành.

PGS.TS Lê Đình Tùng cho hay, quy định trên phù hợp với định hướng đổi mới đào tạo, tăng cường trải nghiệm lâm sàng cho sinh viên. Quy định về trang phục với sinh viên góp phần xây dựng văn hóa học đường, phù hợp các quy định của Bộ GD&ĐT. Đây cũng là nét đẹp văn hóa giảng đường cần được xây dựng, vun đắp.

Ngoài quy định trên, Trường Đại học Y Hà Nội quy định các trang phục trong những trường hợp nhất định tại phòng thí nghiệm, học giáo dục quốc phòng, tham gia hoạt động của các câu lạc bộ.

Với các sự kiện cụ thể do nhà trường tổ chức, sinh viên mặc trang phục truyền thống theo mùa và hoạt động: Quần dài tối màu, với nữ có thể mặc váy qua đầu gối, đi giày, dép quai hậu. Đặc biệt, nhà trường khuyến khích sinh viên dân tộc thiểu số mặc trang phục dân tộc trong ngày lễ, Tết, ngày hội phù hợp và những ngày nhà trường không quy định mặc đồng phục.

trang-phuc-giang-duong-2.jpg
Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: Website nhà trường

Bảo đảm thuần phong mỹ tục

Đầu năm 2024, PGS.TS Nguyễn Hải Đăng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội ký phát hành thông báo về việc thực hiện quy định trang phục đến trường đối với sinh viên. Theo đó, nhà trường yêu cầu, trang phục khi sinh viên đến trường phải lịch sự, gọn gàng, kín đáo, phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam và văn hóa học đường.

Ngoài ra, sinh viên không được mặc các trang phục như quần đùi, quần soóc, quần jean mài rách bẩn, váy ngắn trên đầu gối, quần hoặc váy cạp trễ. Sinh viên không được đi dép lê, dép xỏ ngón, dép bông, dép ở nhà. Nếu vi phạm, nhân viên bảo vệ, cán bộ quản lý hoặc giảng viên có quyền từ chối không cho sinh viên vào lớp học, trường. Tùy mức độ vi phạm quy định, nhà trường đưa ra hình thức kỷ luật sinh viên theo quy chế đã đề ra.

Thông báo 82/TB-HIU ngày 21/2/2024 của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh) nhắc nhở sinh viên thực hiện đúng quy định về trang phục và đeo thẻ sinh viên. Theo đó, nam sinh viên không được mặc quần đùi, quần soóc; nữ sinh viên không mặc áo voan mỏng, áo hai dây, áo trễ cổ, quần/váy ngắn (nếu sử dụng thì quần/váy phải dài quá đầu gối). Sinh viên không được mang dép lê hoặc giày dép không có quai hậu khi đến trường.

Quy định về trang phục với sinh viên nhận được nhiều ý kiến tán thành của người học. Trịnh Đức Hiếu - sinh viên năm 5 Trường Đại học Y Hà Nội ủng hộ quy định này và thấy cần thiết phải gọn gàng mỗi khi lên giảng đường hay vào phòng thí nghiệm. Việc sinh viên mặc trang phục quá ngắn, luộm thuộm, “xuyên thấu” nhìn phản cảm, không phù hợp môi trường giáo dục, thiếu tôn trọng giảng viên.

Phần lớn học sinh, sinh viên có suy nghĩ hiện đại nhưng vẫn phù hợp với thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - chuyên gia đến từ Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận thấy, không ít sinh viên ăn mặc không phù hợp khi lên giảng đường.

Nhiều em muốn thể hiện cá tính nên đã tự tạo “gu” ăn mặc riêng mà không cần quan tâm đến việc có phù hợp hoàn cảnh. Không ít sinh viên có xu hướng bắt chước, học theo các trào lưu, cách ăn mặc của người nổi tiếng.

Trước thực trạng trên, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, gia đình là nhân tố ảnh hưởng đến gu ăn mặc của con cái. Nếu cha mẹ quan tâm đến con cái, giáo dục ăn mặc như thế nào phù hợp sẽ hạn chế được hiện tượng phản cảm từ trang phục.

Sự thiếu đứng đắn trong cách ăn mặc không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh của cá nhân, nhà trường, mà còn thể hiện thiếu tôn trọng đối với thầy cô. Với sinh viên nữ, việc diện những bộ trang phục gợi cảm, “thiếu vải” cũng là một trong những nguyên nhân khiến các bạn có thể gặp chuyện tiêu cực ngoài mong muốn.

Bên cạnh những quy định “cứng” của cơ sở giáo dục, PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh, điều quan trọng là làm thay đổi nhận thức, từ đó dẫn tới thay đổi hành vi ở các bạn trẻ. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để sinh viên tự giác nâng cao ý thức về văn hóa trang phục học đường.

“Trang phục là đại diện cho cốt cách, văn hóa, nhận thức mỗi người. Mặc đẹp, phù hợp là tôn trọng mình và những người xung quanh”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà nêu quan điểm.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, lựa chọn trang phục xuất phát từ mong muốn bản thân đẹp hơn, nhưng không phải cứ chạy theo xu hướng mới đẹp. Nhiều sinh viên ăn mặc giản dị, gọn gàng nhưng vẫn “bắt mắt” và không hề lỗi thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ