Luật Nhà giáo tạo đột phá để giáo dục và đào tạo phát triển

GD&TĐ - Luật Nhà giáo được Quốc hội ban hành sẽ là một trong những đột phá để sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà có bước phát triển bứt phá.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận dự thảo Luật Nhà giáo - sáng 6/5.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận dự thảo Luật Nhà giáo - sáng 6/5.

Nghiêm túc tiếp thu

Phát biểu tại Phiên thảo luận dự thảo Luật Nhà giáo sáng 6/5 - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho hay, dự thảo luật nhận được sự quan tâm rất lớn của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước.

Tại kỳ họp thứ 8, đã có hơn 130 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ và tại hội trường về dự án luật này. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, những người có kinh nghiệm trong công tác quản lý để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.

Dự thảo Luật cũng được xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 42 tháng 3/2025 và xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách tháng 3/2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 1.256 dài 49 trang, phản ánh đầy đủ các nội dung giải trình, tiếp thu, trình Quốc hội.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có Văn bản số 277 ngày 26/4/2025, cơ bản nhất trí với dự thảo luật và nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 8.

Nội dung cơ bản đạt được thống nhất, đồng thuận cao của các cơ quan để tiếp tục hoàn thiện và chỉnh lý dự án Luật Nhà giáo trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua.

luatnhagioajpg1.jpg
Toàn cảnh phiên làm việc sáng 6/5 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ một số nội dung của dự thảo luật:

Thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo. So với nội dung trình tại kỳ họp thứ 8, dự thảo luật bổ sung làm rõ hơn trách nhiệm của nhà giáo trong thực hiện các quyền, nghĩa vụ của nhà giáo theo quy định của pháp luật về viên chức, pháp luật về lao động và theo quy định của pháp luật có liên quan;

Đồng thời, bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập, hoạt động trong lĩnh vực phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; bổ sung nghĩa vụ của nhà giáo trong việc cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành tiếp cận công nghệ mới theo quy định.

Thứ hai, về chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ nhà giáo. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, dự thảo luật trình tại kỳ họp này được chỉnh lý theo hướng quy định thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập theo bậc học, trình độ đào tạo và theo thẩm quyền quản lý. Cụ thể là tại Điều 14 của dự thảo luật.

Tương tự quy định về thẩm quyền điều động, biệt phái nhà giáo ở Điều 19, Điều 20 cũng được chỉnh lý theo hướng do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì, tham mưu cho cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện hoặc thực hiện việc điều động biệt phái nhà giáo khi được cơ quan quản lý nhà nước giao.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đã làm rõ hơn về đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng, tiếp nhận làm nhà giáo như: bổ sung đối tượng ưu tiên tuyển dụng làm nhà giáo về giáo dục nghề nghiệp là những người có kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, kinh doanh dịch vụ phù hợp với ngành nghề giảng dạy; bổ sung trường hợp điều động nhà giáo nhằm giải quyết chính sách đối với nhà giáo sau khi kết thúc thời gian được điều động đến công tác tại khu vực có điều kiện khó khăn.

Thứ ba, về chính sách tiền lương, chính sách hỗ trợ, thu hút và trọng dụng nhà giáo. So với dự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo luật lần này đã bỏ quy định về xếp tăng một bậc lương đối với nhà giáo được tuyển dụng lần đầu, chỉnh lý quy định về tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập, thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật;

Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở bằng với mức thuê nhà ở công vụ đối với nhà giáo đến công tác tại vùng và khu vực khó khăn; bổ sung đối tượng nhà giáo được hưởng chính sách thu hút, trọng dụng là nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực trọng yếu, thiết yếu theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Thứ tư, về quản lý nhà giáo tại Điều 42 và Điều 43. Dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ hơn trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc thực hiện quản lý nhà nước về nhà giáo theo phân công của Chính phủ; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà giáo đối với nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý của mình;

Bỏ quy định cơ quan chuyên môn chủ trì tham mưu giúp UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nhà giáo để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

co-hoi-nao-cho-giao-vien-hop-dong-1.jpg
Thầy giáo Chá Văn Pó và học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Tạo đột phá để sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển

Khẳng định, Nhà giáo và Luật Nhà giáo tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của các vị đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh – cho biết, phiên thảo luận về dự thảo luật hôm nay đã có 25/27 ý kiến phát biểu, có 3 đại biểu tranh luận và 2 đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản đến cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật.

Hầu hết ý kiến phát biểu đều mong muốn, Luật Nhà giáo được Quốc hội ban hành sẽ là một trong những đột phá để sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà có bước phát triển bứt phá.

Qua đó, góp phần quyết định thành công sự nghiệp đổi mới và mục tiêu của kỷ nguyên mới mà Đảng ta đã xác định. Với không khí thảo luận dân chủ, sôi nổi, tâm huyết, các đại biểu đã tham gia ý kiến rất trách nhiệm, lập luận sâu sắc, ngắn gọn, có cơ sở thực tiễn trên tinh thần xây dựng là cơ sở để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và thống nhất với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Đồng thời, góp thêm nhiều ý kiến sâu sắc, vừa đề cập đến những vấn đề tổng thể, vừa góp ý trực tiếp vào các điều khoản, nội dung chi tiết như: quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, chính sách tuyển dụng, thực hành, tập sự, đào tạo, phát triển nhà giáo, về chủ thể và phân cấp thẩm quyền tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, thuyên chuyển, điều động nhà giáo, hoạt động nghề nghiệp, chế độ làm việc của nhà giáo, chính sách tiền lương, hỗ trợ thu hút và trọng dụng nhà giáo;

Cùng với đó là vấn đề dạy thêm, học thêm, cách thức tổ chức quản lý cho hiệu quả; đánh giá nhà giáo chuẩn mực và tiêu chí chủ thể tham gia đánh giá nhà giáo; phạm vi điều chỉnh về cơ sở giáo dục công lập; trong đó có loại hình tự chủ, tự chủ một phần và chưa tự chủ cũng như ngoài công lập theo hướng giáo dục công bằng và những vấn đề cụ thể khác cũng như góp ý cụ thể về kỹ thuật lập pháp theo tư duy đổi mới công tác xây dựng pháp luật.

luatnhagiaojpg13.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu và nghiêm túc tiếp thu, giải trình thấu đáo, đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật vào chiều ngày 11/6 theo chương trình của kỳ họp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ