Cuộc chiến trên mặt trận tài chính

GD&TĐ - Ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, hàng loạt lệnh cấm vận chưa từng có nhằm vào Nga đã khiến giá trị đồng ruble giảm mạnh tới mức gần như sụp đổ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bất chấp hàng loạt gói cấm vận của phương Tây được tăng cường áp đặt lên mọi mặt của nền kinh tế Nga, đồng ruble của nước này vẫn phục hồi mạnh mẽ và chạm mức 79,7 ruble ăn một USD hôm 7/4, hồi phục về mức trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Trước đó, ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, hàng loạt lệnh cấm vận chưa từng có nhằm vào Nga đã khiến giá trị đồng ruble giảm mạnh tới mức gần như sụp đổ. Các biện pháp cấm vận dồn dập đã khiến giá trị đồng tiền nội tệ của Nga có lúc sụt xuống mức thấp kỷ lục 121,5 ruble mới ăn một USD, gợi nhớ về cuộc khủng hoảng năm 1998.

Tình hình đã nghiêm trọng tới mức Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đó gọi đồng tiền Nga là “giấy vụn” với sự sụt giảm giá trị dữ dội. Tuy nhiên, Bloomberg cho biết, tình hình hiện tại đã hoàn toàn khác biệt.

Giá trị đồng ruble phục hồi trở lại mức trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của mình tại Ukraine khi đóng cửa ở mức 79,7 ruble ăn một USD trên thị trường Moscow hôm 7/4.

Bất chấp hơn 6.000 lệnh cấm vận đối với cả nền kinh tế Nga lẫn các tỷ phú của nước này, đồng ruble vẫn phục hồi mạnh mẽ và làm giảm thiểu các tác động tiêu cực của các lệnh cấm. Lý do quan trọng nhất giúp Nga chống đỡ được là lĩnh vực năng lượng của nước này đóng vai trò trọng yếu trên cả thế giới, đặc biệt là tại châu Âu, nơi dầu mỏ và khí đốt của Nga vẫn được mua đều đặn.

Nga dự kiến sẽ kiếm được doanh thu kỷ lục gần 321 tỷ USD trong năm 2022 nhờ xuất khẩu năng lượng, kể cả khi nước này hầu như bị cắt đứt hoàn toàn khỏi nền kinh tế toàn cầu. Con số này tương đương với mức tăng hơn 33% so với năm 2021.

Để đối phó với các lệnh trừng phạt hiện nay, Nga đã ban hành các biện pháp kiểm soát vốn cũng như hỗ trợ đồng ruble. Các biện pháp này bao gồm việc đóng băng tài sản do các nhà đầu tư không cư trú tại Nga nắm giữ và yêu cầu các công ty Nga chuyển 80% ngoại tệ mà mình nắm giữ thành đồng tiền nội tệ.

Việc các quốc gia khác tiếp tục mua dầu và khí đốt của Nga cũng khiến nền kinh tế nước này cũng như đồng ruble được hưởng lợi. Nhờ vậy mà Nga có nhiều thặng dư tài khoản vãng lai – một thuật ngữ kinh tế dùng để chỉ xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Điều này sẽ có xu hướng nâng giá đồng tiền của quốc gia và làm suy yếu nỗ lực trừng phạt của bên ngoài Nga bằng các biện pháp cấm vận.

Thặng dư tài khoản vãng lai là một yếu tố giúp ổn định đồng ruble, do đó nếu giá năng lượng tiếp tục ở mức cao như hiện nay thì tài khoản vãng lai của Moscow sẽ vẫn thặng dư. Trong khi đó, Nga cũng có các biện pháp đáp trả trừng phạt của phương Tây và điều này khiến đồng nội tệ Nga có thể tăng giá trị trong những ngày tới.

Theo các chuyên gia, hiện Nga vẫn có đủ khả năng ổn định thị trường trong nước và thậm chí ngăn chặn tình trạng vỡ nợ ngoại tệ. Điều này tương đương với việc nếu các nước phương Tây muốn làm tổn thương nền kinh tế và tài chính Nga, họ sẽ phải thay đổi hướng giải quyết.

Do đó, Bộ Tài chính Mỹ vừa cấm thanh toán các khoản nợ bằng đồng USD từ các tài khoản của Nga tại các ngân hàng của Mỹ. Đây là một trong những nỗ lực mới nhằm khiến Nga rút cạn dự trữ USD trong nước hoặc bị vỡ nợ. Cuộc chiến trên mặt trận tài chính giữa Nga với phương Tây đang không kém phần căng thẳng so với tình hình trên chiến trường Ukraine hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ