Mặc dù trước đó ông Joe Biden thừa nhận các biện pháp trừng phạt không làm được gì để ngăn cản Tổng thống Nga Putin nhưng Mỹ tiếp tục áp vòng trừng phạt mới đối với Nga.
“Chỉ trong 1 năm, các lệnh trừng phạt của chúng tôi có khả năng xóa sổ 15 thành tựu kinh tế của Nga” – ông Biden nói tại một hội nghị công đoàn ở Washington - “Chúng tôi đã ngăn chặn Nga nhập khẩu công nghệ, chúng tôi sẽ kìm hãm khả năng phát triển nền kinh tế Nga trong nhiều năm tới”.
Một thông cáo báo chí cũng cho biết GDP của Nga sẽ “giảm tới 15% trong năm nay, xóa sổ thành quả kinh tế trong 15 năm qua”. Tuyên bố này được cho là do “các chuyên gia giấu tên” đưa ra.
Việc đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế lên Nga là điều không dễ. Tổng thống Biden nói rằng các lệnh trừng phạt ban đầu của Mỹ áp đặt vài ngày sau cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine, sẽ “phá hủy” nền kinh tế và tiền tệ Nga.
Tuy nhiên, kể từ đó đồng rúp đã trở lại mức giá từ khi giao tranh chưa diễn ra và Nga dự kiến sẽ tăng doanh thu từ dầu và khí đốt lên hơn 1/3 trong năm nay – phân tích của hãng tin tài chính Bloomberg cho hay.
Theo trích dẫn của một nhà phân tích người Đức, doanh thu năng lượng kỷ lục trên sẽ giúp Nga đủ trang trải tác động của các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine, đồng thời ngăn chặn lạm phát.
Ngoài ra, không phải tất cả các quốc gia đều cắt nguồn cung cấp công nghệ nhập khẩu cho Nga và Moscow có thể chuyển sang các nhà cung cấp khác để bù đắp cho việc này, có thể là Trung Quốc.
Nhiều quan chức trong chính quyền Mỹ cho rằng các lệnh trừng phạt là một biện pháp để ngăn chặn Tổng thống Putin theo đuổi các mục tiêu quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, tháng trước, Tổng thống Biden thừa nhận rằng “các lệnh trừng phạt” không thể ngăn chặn hành động của Nga, nhưng chúng sẽ vẫn được áp dụng.