NBC ngày 23/9 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong một cuộc họp riêng rằng, ông quyết định cung cấp cho Ukraine ATACMS.
Theo phía Mỹ, đây là một sự thúc đẩy nhằm nâng cao năng lực của Kyiv trong việc nhắm mục tiêu vào hậu cần quân sự của Nga ở khoảng cách xa khi nước này chuẩn bị cho mùa đông thứ hai của cuộc chiến tranh.
Ukraine đã yêu cầu ATACMS trong nhiều tháng. Các quan chức Mỹ tỏ ra miễn cưỡng vì kho dự trữ của nước này có hạn, và vì lo ngại Nga có thể cáo buộc Washington leo thang căng thẳng, nhưng Ukraine cam kết sẽ không dùng chúng nhằm vào lãnh thổ Nga.
Được bắn từ bệ phóng di động, ATACMS có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 190 dặm (300km), cho phép lực lượng Ukraine tấn công vượt xa chiến tuyến.
Các mục tiêu tiềm năng bao gồm trụ sở chỉ huy, kho vũ khí và mạng lưới cung cấp, bao gồm cả hệ thống đường sắt.
Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân tầm xa (ATACMS) của Mỹ |
Khi được một phóng viên hãng Reuters hỏi về thông tin cho rằng, Tổng thống Biden đã thay đổi quan điểm của mình, ông Zelenskiy không trả lời trực tiếp mà chỉ nói Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ukraine.
“Chúng tôi đang thảo luận về tất cả các loại vũ khí khác nhau - vũ khí tầm xa và pháo binh, đạn pháo cỡ nòng 155mm, sau đó là hệ thống phòng không”, nhà lãnh đạo Kiyv nói.
Mặc dù không có thông báo chính thức nào về ATACMS trong chuyến thăm chớp nhoáng của Tổng thống Zelenskiy tới Washington vào tuần trước, nhưng ông đã nhận được 325 triệu USD viện trợ mới của Mỹ, và nỗ lực củng cố sự ủng hộ của các chính trị gia dành cho đất nước của mình.
Khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào năm ngoái, tên lửa chống tăng dẫn đường là một trong những thiết bị công nghệ cao nhất được gửi đến Ukraine.
Kiev hiện có xe tăng phương Tây, hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không và đào tạo phi công để tiếp quản phi đội máy bay chiến đấu F-16.
Lực lượng Ukraine vốn đã quen thuộc với các bệ phóng tên lửa di động Himars dùng để bắn tên lửa ATACMS, kể từ khi Mỹ bắt đầu chuyển giao các hệ thống này vào năm ngoái. Tuy nhiên, Washington chỉ cung cấp cho Ukraine tên lửa dẫn đường tầm ngắn.
Các tên lửa tầm xa có thể đặc biệt quan trọng vào mùa đông, khi thời tiết lạnh làm chậm hoạt động chiến đấu dọc tiền tuyến và Nga có thể cố gắng tăng cường phòng thủ các vị trí mà họ đang kiểm soát.
Ukraine đã phát động một cuộc phản công vào mùa hè này, tiến triển chậm hơn so với những gì quân đội nước này và các đồng minh Mỹ mong đợi.
Kiev nhằm mục đích chọc thủng phòng tuyến của Nga, sau đó tiến xuống Biển Azov, cô lập các lực lượng Nga xung quanh Kherson và cắt đứt các tuyến tiếp tế của đối phương tới Crimea.
Tuy nhiên, vành đai mìn dày đặc của lực lượng Nga đã khiến quân đội Ukraine bị bế tắc trong nhiều tuần, sau khi họ tỏ ra không thể xuyên thủng ngay cả với xe bọc thép và xe tăng của Mỹ và các cường quốc châu Âu.
Cuối cùng, một con đường dày đặc mìn đã được lực lượng bộ binh Ukraine dọn sạch, và tuần trước, trong một bước đột phá quan trọng khác, các xe bọc thép đã chọc thủng hệ thống phòng thủ chống tăng chính của Nga trong cùng khu vực. Điều đó có thể cho phép họ tiến xa hơn về phía nam hoặc tấn công các lực lượng Nga dọc theo tuyến phòng thủ.
Trong khi cuộc tấn công trên bộ tiến triển chậm, Ukraine đã tìm cách gây áp lực lên lực lượng Nga bằng máy bay không người lái tầm xa và các cuộc tấn công khác, cả bên trong nước Nga và trên vùng đất Ukraine hiện do Nga kiểm soát, đặc biệt là ở Crimea.