Cuộc chiến nước mắm và chính sách… trên trời

GD&TĐ - Những ngày vừa qua, cả nước ầm ào về cái gọi là “cuộc chiến nước mắm” phiên bản 2.0, sau vụ bê bối “nước mắm nhiễm asen” năm 2016. Nguyên nhân “dậy sóng” khi Dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” (TCVN - 12607:2019) do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) soạn thảo được thông tin chính thức vào ngày 8/3.

Cuộc chiến nước mắm và chính sách… trên trời

Ngay lập tức, nhiều chuyên gia đã phát hiện những tiêu chuẩn không phù hợp, phản ánh sai lạc, áp đặt, “đánh lận con đen”, gây bất lợi cho nước mắm truyền thống, như: Tiêu chuẩn về hàm lượng histamine trong nước mắm phải dưới 400ppm, các thùng chứa nước mắm truyền thống phải có màu sáng, tiêu chuẩn nước mắm không phân biệt rạch ròi giữa nước mắm truyền thống từ cá, muối với nước mắm (nước chấm) sản xuất theo phương pháp công nghiệp...

Rất nhiều ý kiến phản đối Dự thảo xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội. Thậm chí, TS “nước mắm” Trần Thị Dung - người “minh oan” cho “nước mắm truyền thống bị nhiễm asen” - đã chỉ ra 50 điểm chưa phù hợp trong Dự thảo và gọi đó là “mánh lới đánh đồng nước mắm với nước mắm pha chế công nghiệp” (chính xác là nước chấm công nghiệp), là có “âm mưu”, “thủ đoạn”…

Thực tế, đã có không ít chủ trương, chính sách, dự thảo… không phù hợp gây bức xúc dư luận. Chẳng hạn như quy định về việc bán thực phẩm tươi sống trong thời gian 8 tiếng ở nhiệt độ thường, chứng minh thư nhân dân phải ghi cả tên cha mẹ, “sổ đỏ” phải ghi tên các thành viên trong gia đình, ngực lép không được lái xe, răng vẩu không được lái tàu, thuế tài sản… Người dân mai mỉa gọi đó là những “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất” hay ngồi trên trời/trong phòng lạnh làm chính sách…

Điều đáng buồn, không ít chính sách… trên trời ấy không hẳn đã là vì thiếu hiểu biết, năng lực, trình độ của những người làm chính sách mà còn bị tác động để làm sai lệch mục đích, gây phương hại đến nhiều người dân. Ở khía cạnh nào đó, cũng có thể xem là lobby chính sách, nói thẳng là “tham nhũng chính sách”. Và việc này, chỉ có một “nhóm lợi ích” được lợi lộc.

Quay trở lại với “cuộc chiến nước mắm”, thật may mắn khi Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về dự thảo nước mắm không được để ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất của nước mắm truyền thống. Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải nghiên cứu kỹ những ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn cho nước mắm; phải tổ chức đối thoại tạo thống nhất giữa các bên, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống…

Và sáng 12/3, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Trạc chính thức cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng sản phẩm tạm dừng thẩm định “Tiêu chuẩn quốc gia quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” để tiếp tục xin ý kiến các tổ chức, hiệp hội. Có thể thấy, với sự lên tiếng kịp thời, những bất cập, không hợp lý, thậm chí sai lạc, áp đặt trong chính sách sẽ không có cơ hội “chào đời”. Và những chính sách… trên trời không thể sinh sôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.