Có nơi như ở Quảng Trị, người dân đã hơn 6 ngày liên tiếp trải qua 3 đợt lụt lớn, nhiều làng mạc đến nay vẫn bị cô lập, hay Thừa Thiên - Huế đi kèm với bão, lũ là sạt lở núi.
Người dân miền Trung vừa tạm hồi sức sau dịch bệnh Covid-19, nay đối diện với mưa bão, lũ dữ dầm dề, biết bao là khó khăn. Con số thương vong về người, thiệt hại về của cứ nhân lên từng ngày, với nhiều xót xa… Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 23 giờ ngày 13/10, có 48 người chết và mất tích do mưa lũ, 212 xã, phường với 135.329 hộ bị ngập, 585 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, 135.731 nhà bị ngập; 870 ha lúa, 5.314 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588 ha thủy sản bị thiệt hại; 332.350 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi… Những con số thiệt hại dường như vẫn chưa dừng lại…
Khi mỗi gia đình nặng gánh khó khăn vì thiên tai thì đường đến trường của con em cũng bị ảnh hưởng. Sách, tập, quần áo, học phí… của học trò nông thôn trông vào từng vạt lúa, luống rau, đàn gia súc của mẹ cha. Thương làm sao khi trang Facebook của một sinh viên miền Trung đưa hình ảnh đàn heo đuối vì nước lũ, với status khắc khoải: “Mạ nói, học phí năm ni đã trôi theo đàn heo…”.
Thiên tai không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến gia cảnh của mỗi giáo viên, học trò, mà còn tác động nặng nề đến hệ thống cơ sở vật chất và kế hoạch dạy học của mỗi nhà trường ở vùng bão lũ. Thống kê cho thấy, có tới 335 điểm trường bị ngập, 27 điểm trường bị hư hại. Năm học 2020 - 2021 bắt đầu muộn hơn mọi năm, thầy trò vừa mới kịp ổn định dạy học qua 1 tháng, nay trước thiên tai, nhiều trường phải tạm đóng cửa. Ngổn ngang biết bao việc đang chờ ngành Giáo dục miền Trung ở phía trước khi cơn lũ đi qua: Dọn vệ sinh trường, lớp, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa lũ gây ra để chuẩn bị cho học sinh đi học lại; theo dõi, nắm bắt tình hình gia đình giáo viên, học sinh… bị thiệt hại do mưa lũ gây ra để động viên, có biện pháp hỗ trợ, sẻ chia khó khăn.
Chia sẻ với khó khăn của đồng bào bị thiệt hại vì thiên tai nói chung và với ngành Giáo dục miền Trung nói riêng, những ngày qua, các tổ chức, cá nhân trên cả nước đã nhanh chóng vào cuộc chung tay ủng hộ, tiếp sức. Các chương trình vận động cùng miền Trung vượt lũ được triển khai, với những đóng góp thiết thực để cứu trợ khẩn cấp, giúp người dân khắc phục hậu quả do bão lũ. Công đoàn ngành Giáo dục các địa phương, đơn vị trường học cũng kịp thời vào cuộc sẻ chia với đồng nghiệp và học sinh vùng khó khăn. Những con heo đất, cuốn tập, đồng tiền tiết kiệm… đã và đang được học trò nhiều nơi nâng niu quyên góp chuyển đến bạn vùng lũ, tiếp sức đến trường. Nhiều trường đại học bên cạnh gia hạn thời gian xác nhận nhập học cho tân sinh viên vùng lũ còn tính toán các gói học bổng, hỗ trợ học phí…
Trong khó khăn, hoạn nạn mới biết được lòng người. Chung tay ủng hộ, sẻ chia với đồng bào miền Trung, giáo dục miền Trung khắc phục bão lũ, mỗi cá nhân, tổ chức đã và đang tiếp tục viết nên nét son truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Đặc biệt, với các đơn vị trường học, không chỉ là sẻ chia, những hoạt động thiện nguyện cùng miền Trung vượt lũ, dịp này còn là cơ hội để giáo dục học sinh, sinh viên về trách nhiệm cộng đồng, cao hơn là tình yêu quê hương, đất nước.