>>> Bồi đắp tinh thần thiện nguyện từ nhà trường
>>> Giúp con làm việc thiện: 'Gốc rễ' từ sự đồng cảm
Hãy biến buổi thảo luận với con về vấn đề này thành những câu chuyện vui của cả gia đình, để tạo động lực cho con phấn đấu tự hoàn thiện bản thân.
Thiện nguyện không phải là thành tích
Thạc sĩ Nguyễn Anh Tú - Phó Giám đốc trung tâm tình nguyện thanh niên cho rằng: “Ở độ tuổi nào, làm từ thiện cũng cần được “dạy”, nếu không, việc này chẳng đem lại ý nghĩa gì đối với “người cho” và “người nhận”.
Nếu con còn bé, trẻ về khoe rằng hôm nay, bạn trong lớp đã góp được số giấy vụn làm kế hoạch nhỏ nhiều nhất trường, rồi trách móc bố mẹ không gom đủ giấy cho con. Hay khi trẻ lớn hơn, có chút bực bội khi người bạn thân bỏ phong bì nhiều nhất lớp để ủng hộ người nghèo,… lúc này, cha mẹ hãy chủ động phân tích cho con.
Ở những trường hợp như vậy, việc thiện nguyện của con đang làm theo phong trào mang tính hơn thua, chứ không có ý nghĩa đi giúp đỡ người khác”.
ThS Nguyễn Anh Tú cũng cho biết, nếu cứ kéo dài mãi hình thức làm từ thiện như thế, trẻ chỉ làm việc “thiện” chứ không “nguyện”. Lớn lên, đứa trẻ đó cũng có xu hướng nghĩ đến người nghèo chỉ là nơi tập kết đồ “dọn nhà” của chúng.
Trên thực tế, với nhiều người lớn có tâm lý “dọn nhà”, những đợt quyên góp từ thiện luôn là thời điểm thích hợp nhất để họ thực hiện điều này. Quần áo cũ, thậm chí rách hỏng, giấy vụn bừa bãi hay giầy dép không còn sử dụng được,… sẽ nghĩ ngay đến việc gom lại để mang đi từ thiện.
Chưa kể đến, những cuộc đi thiện nguyện kiểu phong trào chỉ mang tính để báo cáo thành tích trên mạng xã hội, để chụp ảnh thể hiện việc mình mới làm chứ không phải vì niềm vui giúp đỡ người khác.
Do đó, nếu muốn con làm thiện nguyện theo đúng ý nghĩa của hành động này thì người lớn hãy luôn làm tấm gương để hướng con đến các hoạt động cộng đồng, để con hiểu được giá trị của những việc mình làm với xã hội. Từ đó, trẻ sẽ thấy mỗi việc nhỏ sẽ góp lên ý nghĩa lớn lao đối với những hoàn cảnh khó khăn.
Việc cho đi cũng cần thành ý chứ không phải là ban phát. Quần áo gấp phẳng phiu, sách vở gói cẩn thận và phân loại rõ để trao đến tay người nghèo, họ không chỉ nhận được vật chất mà còn cả động lực để vươn lên vượt qua khó khăn.
Có rất nhiều hình thức làm từ thiện, với trẻ nhỏ, để tránh việc làm mang tính ép buộc, hơn thua, cha mẹ có thể cho con tham gia các dự án thiện nguyện. Đây cũng là hành trình để con trải nghiệm, cảm nhận từng bước công việc mà mình làm, rồi đón nhận kết quả đó. Tất nhiên, hãy để con đến những việc này một cách tự nguyện chứ không phải là ép con tiết kiệm tiền mang đi quyên góp, để mong con thu được kết quả gì đó. Như vậy, tấm lòng thiện đã không còn xuất phát từ tâm, mà đều đặt mong muốn cá nhân lên trên.
Cùng con rút ra bài học và kinh nghiệm
Theo ThS Nguyễn Anh Tú, sau mỗi hoạt động từ thiện, hãy trò chuyện cùng con để lắng nghe cảm nhận của bé.
Một vài lời nhận xét, so sánh nhẹ nhàng của bố mẹ lúc này sẽ là chất xúc tác giúp con thấu hiểu giá trị của sự cho đi: “10 nghìn đồng là nấu được suất cơm từ thiện rồi, tính ra chỉ bằng một lần mình bỏ heo đất ngắn hạn con nhỉ”; “Em Bông nhà mình dư bao nhiêu áo ấm này, soạn ra là đủ tặng cho cả lớp học mình đến thăm hôm trước ấy chứ”; “Tội nghiệp mấy em bé trong viện ghê, ốm mà không có tiền mua thức ăn. Nhớ mỗi lần Bi ốm là mẹ nấu bao nhiêu món ngon, chỉ sợ Bi không thích”…
Ngoài ra, hãy thật cẩn trọng với mỗi lời bạn nói với con, bởi sau mỗi trải nghiệm tự con cũng đã rút ra những bài học riêng của bé. Điều tối kỵ nhất là những lời răn đe ngay sau khi con vừa làm việc tốt: “Nhìn thấy chưa, các bạn ở đây không có mà ăn, từ nay cấm được bỏ bữa nhớ không!” - Điều này sẽ khiến con tổn thương và sinh ra căm ghét đi từ thiện. Hãy biến buổi thảo luận thành những câu chuyện vui của cả gia đình, để tạo động lực cho con phấn đấu tự hoàn thiện bản thân.
Một cô bé từng nảy ra sáng kiến: “Tội nghiệp các em mèo ghê! Sau này con muốn xây thêm nhiều trạm cứu hộ mèo hơn nữa, à cả một trạm cho cún con và một trạm cho cá vàng bị bỏ rơi nha mẹ”. Bà mẹ đứng bên liền dội gáo nước lạnh: “Dở hơi à, ai đi xây trạm cứu hộ cho cá!”.
Dù ước mơ con có phi thực tế tới đâu, hãy trân trọng nó bởi con đã tin tưởng chia sẻ với cha mẹ bằng tất cả nhiệt huyết và lòng nhân ái. Sự ủng hộ và trợ giúp đúng lúc của bố mẹ sẽ giúp con lên kế hoạch cụ thể hơn để hiện thực hóa những ý tưởng mông lung ban đầu.
Bên cạnh đó, thay vì tài trợ con toàn bộ dự án, hãy để con vận động bạn bè cùng lứa tham gia tình nguyện và tự gây quỹ hoạt động. Bạn có tin, có những nhóm tình nguyện được thành lập và vận hành chỉ với những cô cậu bé đang học THCS. Rất có thể một ngày kia, bé nhà bạn sẽ trở thành nhà hoạt động xã hội có tầm ảnh hưởng lớn, chỉ cần bạn khuyến khích con từ những bước đầu tiên. Khi để con thỏa sức sáng tạo, bạn sẽ thấy con lớn hơn mình nghĩ!
Khuyến khích bé chia sẻ, đóng góp ý kiến về cách làm từ thiện. Chẳng hạn, bạn có thể gợi ý cho bé quan tâm chia sẻ đồ chơi với trẻ em nghèo. Sau đó đề nghị con nghĩ ra cách gì đó để thực hiện việc này.
So với người lớn thì bé chưa thể có khả năng kiếm ra tiền. Vì vậy, cha mẹ cần đặt bé vào những tình huống phù hợp với khả năng của bé. Chẳng hạn như để chia sẻ, giúp đỡ bắt đầu từ những người gần gũi xung quanh mình trước. Sau đó, hãy dạy những thứ lớn hơn phù hợp với khả năng và lứa tuổi của trẻ.
“Dạy trẻ về những hoạt động thiện nguyện, điều cốt lõi chính là cho con hiểu như thế nào là từ thiện, là hoạt động thiện nguyện thể hiện qua hành động, việc làm… và quan trọng nhất là xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng của mình. Cho đi chính là còn mãi, chứ không phải các con từ thiện, các con làm thiện nguyện để nhận được những lời khen, tán thưởng và để mong được báo đáp lại”, ThS Nguyễn Anh Tú nhấn mạnh.