Giúp con làm việc thiện: 'Gốc rễ' từ sự đồng cảm

GD&TĐ - Hoạt động từ thiện giúp các em xây dựng tính cộng đồng, phát triển tri thức và đạo đức để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ làm từ thiện với thái độ trân trọng. Ảnh minh họa.
Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ làm từ thiện với thái độ trân trọng. Ảnh minh họa.

Khi dạy trẻ làm từ thiện, phụ huynh cần cho con biết khi nào cần giúp và giúp bằng cách nào. Có như vậy, trẻ mới học được cách đưa ra lựa chọn sáng suốt với đồng tiền, công sức, thời gian của mình, đồng thời đảm bảo lòng tốt được trao gửi đúng lúc, đúng chỗ.

Cùng trẻ làm từ thiện

Những ngày qua, nhiều trường học tại Hà Nội đã phát động phong trào quyên góp, sẻ chia với đồng bào vùng thiên tai. Có những trường đưa ra thông điệp rất rõ là về số tiền tối đa học sinh có thể đóng góp với tinh thần tự nguyện. Nhà trường phát động quyên góp trên cơ sở khơi dậy tinh thần đùm bọc, chia sẻ ở học sinh. Song, đồng thời, phải giúp các em cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với việc cho đi, tránh sự phô trương hay so sánh giữa các con.

Học sinh Dương Trọng Đức, Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Con cảm thấy rất đau lòng, thương các bạn gặp mất mát sau trận lũ lụt. Mong rằng các bạn ấy vượt qua nỗi đau này. Con mong có thể góp chút sức giúp sưởi ấm các trái tim ấy”.

Anh Dương Nghĩa Toàn - phụ huynh của Trọng Đức chia sẻ: “Nhìn con trai phấn khởi xếp gọn từng tờ tiền sau khi đập lợn đất để mang đến trường ủng hộ người dân vùng lũ, trong lòng tôi bỗng rất vui. Tôi vui vì con hiểu và đồng cảm với những câu chuyện về mảnh đời éo le, cần được giúp đỡ mà tôi vẫn kể cho con nghe hằng ngày. Tôi vui vì con biết san sẻ những may mắn mà bản thân có được cho những người khốn khó hơn mình”.

Phần lớn phụ huynh Việt Nam cũng có mong muốn tương tự anh Toàn. Tuy nhiên, dạy con sao cho đúng, vừa thiết thực vừa đem lại giá trị tốt đẹp là yếu tố mà các phụ huynh quan tâm. Bằng cách cho trẻ trực tiếp tham gia những hoạt động thiện nguyện như dọn dẹp khu phố, chăm sóc động vật, quyên tặng đồ cũ... các phụ huynh đã và đang dạy con nhiều cách thức cho đi sự cảm thông và sẻ chia. Điều này còn giúp trẻ phát triển cảm xúc và hình thành nhân cách sống tử tế.

Trong danh sách sao kê của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rất nhiều khoản tiền được chuyển đi với giá trị nhỏ. Nội dung chia sẻ “Cháu là học sinh, cháu chỉ có chút tiền”. Tuy nhiên, đó là những khoản tiền khiến nhiều người cảm động vì sự cho đi chân thành. Tinh thần lá lành đùm lá rách được nhân lên. Nhiều bạn nhỏ đã dùng tiền tiết kiểm để sẻ chia khó khăn với người dân vùng lũ.

Đây cũng là thời điểm để nhiều phụ huynh nhận ra rằng, việc dạy con làm từ thiện cũng vô cùng quan trọng. Xã hội phát triển, trẻ em ngày càng được quan tâm bao bọc và ít có cơ hội được va chạm với cuộc sống bên ngoài. Lâu dần, các bé dễ hình thành thói vô tâm, chỉ tập trung vào ý muốn bản thân và coi mọi điều tốt đẹp mình nhận được là lẽ đương nhiên phải có.

Thay vì gò ép con vào những bài học đạo đức khô khan, thì việc hướng dẫn con tham gia hoạt động từ thiện sẽ mang lại hiệu quả, giúp bé sống có ích, biết sẻ chia và trân trọng những gì mình đang có.

Theo chị Đặng Thục Hà My - giáo viên tại Trung tâm Tiếng Anh Bình Minh, việc người lớn cùng con làm từ thiện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình giáo dục trẻ. Thông thường, các trường học luôn có một số hoạt động từ thiện thường niên như: Thu gom sách cũ tặng bạn nghèo, quyên góp cho đồng bào gặp thiên tai, làm kế hoạch nhỏ… Một số tổ chức giáo dục còn tổ chức những chương trình gây quỹ từ thiện, hoặc để trẻ tham gia chương trình thiện nguyện.

giup con lam viec thien2.jpg
Việc hướng dẫn con tham gia hoạt động từ thiện sẽ giúp bé biết sẻ chia và trân trọng những gì mình đang có. Ảnh minh họa.

“Dù ở nhà, trẻ có được bao bọc ra sao, phụ huynh cũng hãy cho phép con hòa đồng cùng bạn bè trong những chương trình tình nguyện. Chút nắng chút bụi có thể làm con mệt, nhưng chuyến đi sẽ là cơ hội học hỏi và trải nghiệm đầy tính nhân văn mà con không thể có được nếu mãi trong vòng tay cha mẹ.

Nếu chưa từng gặp những người khuyết tật, con gái có thể buồn hiu cả ngày chỉ vì đôi chân bố mẹ sinh ra không được thon dài như các bạn. Nếu chưa từng gặp những trẻ mồ côi thiếu ăn, con trai có thể bỏ bữa cơm khi mẹ nấu món bé không thích. Trong khi đó, các hoạt động từ thiện sẽ giúp trẻ hiểu và trân quý những gì bé đang có”, chị Hà My chia sẻ.

Ngoài những hoạt động trên trường, phụ huynh cũng nên cho con được thử sức với nhiều hình thức tình nguyện khác nhau bất cứ khi nào có cơ hội. Ví dụ, khi công ty nơi phụ huynh làm việc kêu gọi nhân viên đi hiến máu, hãy đưa con theo. Hoặc, khi người quen của gia đình mở quán cơm từ thiện, phụ huynh cũng có thể cùng con tới làm phụ bếp vào mỗi cuối tuần.

Giáo viên Hà My cho rằng, dạy con cho đi thôi là chưa đủ, mà phụ huynh còn cần hướng dẫn trẻ làm từ thiện với thái độ trân trọng. Bởi, “của cho không bằng cách cho”. Trẻ sẽ nhận được rất nhiều từ những nghĩa cử tốt đẹp.

“Trẻ có thể dành cả buổi tới trạm cứu hộ mèo, nhưng cũng từng đó thời gian, bé được lũ mèo quấn quýt không rời. Con góp tiền đem tới nhà tình thương, đổi lại con nhận về những câu cảm ơn và lòng yêu mến. Cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng, khi dành tặng thời gian, tiền bạc và công sức, trẻ đã nhận lại được những trải nghiệm quý giá không đong đếm được”, nữ giáo viên cho biết.

Cũng theo chị, để trẻ sẵn sàng và thấy hạnh phúc khi làm từ thiện, điều quan trọng là cần dạy con về sự đồng cảm. Đồng cảm là khả năng nhận và hiểu rõ tình cảm, cảm giác và động cơ của người khác. Khả năng này ở mỗi đứa trẻ là khác nhau khi chúng lớn lên.

Thực tế, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, bé gái có thể đọc cảm xúc tốt hơn bé trai. Tuy nhiên, cả bé gái và bé trai đều có thể hiểu được cảm xúc của người khác vào lúc 2 tuổi. Trẻ có thể hiểu lý do của những cảm xúc đó lúc 4 tuổi. Khả năng đồng cảm sẽ phát triển và nở rộ bên trong tâm hồn của bé nếu được người lớn nuôi dưỡng.

giup con lam viec thien (1).jpeg
Cha mẹ cần dạy con về sự đồng cảm. Ảnh minh họa.

Xây dựng sự đồng cảm

Các chuyên gia cho rằng, trong quá trình xây dựng và duy trì khả năng đồng cảm của bé, thầy cô và cha mẹ nên tôn trọng cá tính của trẻ. Đồng thời, người lớn cần làm gương cho trẻ cách thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu và quan tâm. Chúng ta có thể bắt đầu phản hồi với hành vi không thích hợp của trẻ khi nói: “Cha/mẹ/cô rất tiếc khi con chọn làm thế”. Từ đó, cho trẻ thấy, người lớn đang quan tâm đến cảm giác của trẻ và đồng cảm vì bé đang ở trong tình thế khó khăn. Phụ huynh cũng có thể chỉ ra hành vi không thích hợp của trẻ gây tác động tới người khác khi hỏi: “Con nghĩ rằng, bạn sẽ thấy thế nào khi con ép bạn không được chơi tiếp nhỉ?”.

Ngược lại, khi cha mẹ phản ứng giận dữ với hành vi không thích hợp của trẻ, điều đó sẽ “ăn mòn” khả năng đồng cảm ở bé. Như vậy, cha mẹ đã vô tình dạy con hành xử mà không hề suy nghĩ tới cảm giác của người khác.

Thực tế, nếu cha mẹ quan tâm nhiều tới trẻ thì khả năng đồng cảm ở bé sẽ tăng lên. Trẻ không có khả năng đồng cảm thì sẽ không thể học cách chia sẻ đồ chơi và vui chơi hoà hợp với các bạn. Trẻ cũng sẽ phản ứng giận dữ và bạo lực đối với nghịch cảnh và không chịu trách nhiệm với hành động của mình.

Một số phụ huynh cho rằng, sự đồng cảm sẽ tự động xuất hiện, như một phần của quá trình phát triển của con. Song, không hẳn là vậy. Thực tế, ngay cả một đứa trẻ sơ sinh cũng có thể thể hiện dấu hiệu của sự đồng cảm. Nhiều cuộc thử nghiệm xác nhận rằng, trẻ sơ sinh sẽ dễ khóc hơn nếu các con nghe đoạn ghi âm của những đứa trẻ khác đang khóc.

Kết quả từ một nghiên cứu cho thấy, những trẻ sơ sinh phát triển bình thường sẽ bắt đầu thể hiện sự quan tâm, đồng cảm đối với các thành viên trong gia đình khi bé ở độ tuổi từ 12 đến 24 tháng (Zahn-Wexler và cộng sự 1992).

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khả năng đồng cảm “cứ tự nhiên mà có” - dù trẻ có được nuôi lớn bằng cách nào hay trong môi trường nào. Các nhà nghiên cứu về thần kinh Jean Decety và Philip L. Jackson lập luận rằng, sự đồng cảm của con người đòi hỏi phải có một số thành phần (theo Decety và Jackson 2004). Trong đó, bao gồm ý thức tự nhận thức và khả năng phân biệt cảm xúc của chính mình với cảm xúc của người khác, nhìn mọi việc theo quan điểm của người khác, cũng như khả năng điều chỉnh phản ứng cảm xúc của chính mình.

“Sự đồng cảm luôn là một yếu tố chủ chốt giúp trẻ phát triển trong cuộc sống. Vì vậy, bồi dưỡng khả năng đồng cảm với trẻ là rất quan trọng. Từ đó, giúp trẻ cảm nhận được những điều mà người khác đang trải qua và trở thành một phần của cộng đồng. Đó là sự tương tác qua lại giữa cho và nhận”, giáo viên Hà My nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.