Sẻ chia từ trái tim
Phụ huynh Phan Hải Minh (ngụ tại Phường Tam Phú - quận Thủ Đức) có con đang học tại Trường Tiểu học Thái Văn Lung, quận Thủ Đức, TPHCM chia sẻ, những ngày qua, các trường học đều phát động học sinh hướng về đồng bào miền Trung gặp lũ lụt bằng nhiều hình thức khác nhau, từ tiền, đồ dùng học tập, quần áo… Tuy vậy, nhiều trẻ còn quá nhỏ, rất khó để trẻ hình dung ra những khó khăn, đau thương mà bà con vùng lũ phải gánh chịu.
Chính vì vậy, những hình ảnh, clip ở trên các phương tiện truyền thông được chị lưu lại để cho con xem, giải thích cho con hiểu. Từ đó khơi gợi cho con về sự sẻ chia, đồng cảm, tinh thần tương thân tương ái… Các con của chị đã cùng mẹ ngồi lựa ra những bộ quần áo vẫn còn dùng được, những chiếc ba lô, đôi giày cũ được giặt sạch và gói lại để gửi đến các bạn học sinh ở Quảng Trị.
Trong cuộc sống hằng ngày, chị cũng luôn dạy trẻ về chia sẻ, kể cho con nghe những câu chuyện về tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… để trẻ hiểu và cảm nhận.
Nhà gần trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, quận Thủ Đức, chị Hải Minh cho con tham gia cùng nhóm thiện nguyện để tới nơi làm những công việc tuy nhỏ nhưng để tận mắt chứng kiến những bạn nhỏ ở nơi đây có hoàn cảnh éo le ra sao… Từ đó, giúp trẻ thấu hiểu hơn, biết trân trọng hơn những gì mình đang có, cố gắng học tập thật tốt.
“Dạy con làm từ thiện, thiện nguyện cũng là dạy con làm người - biết sống yêu thương, san sẻ với mọi người, chứ không phải sẽ mong nhận được lại gì. Khi biết yêu thương, thì mình sẽ nhận lại được niềm hạnh phúc”, chị Hải Minh nói.
Thực tế cho thấy, hiện nay ngoài tham gia các hoạt động thiện nguyện ở trường, nhiều phụ huynh đã cho con em mình tham gia những hoạt động từ thiện trực tiếp. Tùy vào tuổi của học sinh, phụ huynh hoàn toàn có thể dẫn con đi theo những chuyến thiện nguyện.
Học sinh có thể phụ những việc lặt vặt như phân loại vật phẩm, phụ bê đồ, dọn dẹp… Đó chính là sự trải nghiệm đáng quý, và hơn hết là giáo dục cho trẻ về sự sẻ chia, về tinh thần tương thân tương ái.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Mỹ Linh (đang công tác tại TPHCM) dạy trẻ về những hoạt động thiện nguyện, điều cốt lõi chính là cho con hiểu như thế nào là từ thiện, là hoạt động thiện nguyện thể hiện qua hành động, việc làm… và quan trọng nhất là xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng của mình.
Cho đi chính là còn mãi, chứ không phải các con từ thiện, các con làm thiện nguyện để nhận được những lời khen, tán thưởng và để mong được báo đáp lại.
Học cách sống có trách nhiệm
Nguyễn Nam Phương (22 tuổi), vừa tốt nghiệp Trường ĐH Luật TPHCM chia sẻ, bạn đã có 3 mùa hè tham gia tình nguyện cũng như rất nhiều chuyến đi thiện nguyện ở những mái ấm, nhà mở, ngôi chùa có nhận chăm sóc trẻ mồ côi.
Theo Nam Phương, mỗi một chuyến đi là một trải nghiệm giúp bạn trưởng thành hơn, thấy được ý nghĩa của việc trao gửi yêu thương tới những người còn gặp khó khăn trong cuộc sống.
Theo đó, tham gia công tác thiện nguyện, Phương cùng bạn bè của mình phụ giúp dọn dẹp, dạy học cho các em nhỏ và quyên góp một số nhu yếu phẩm tặng cho một số mái ấm tình thương ở TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Những việc làm của tôi được truyền cảm hứng từ mẹ. Mẹ tôi luôn ủng hộ và đồng hành trong mọi chuyến đi của con. Mẹ cũng nói với tôi, làm mọi việc phải đặt cái tâm của mình trong đó, “tích tiểu thành đại”, mỗi người chung tay một chút cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp hơn”, Nam Phương nói.
Theo thầy Nguyễn Thanh Minh, cựu giáo chức TPHCM, việc giáo dục con trẻ phải là việc làm mỗi ngày, qua từng câu chuyện cụ thể như từ hình ảnh bà cụ già bán vé số trên phố, từ những mảnh đời bất hạnh phải nằm co ro trong đêm ở một góc công viên… Từ đó để các con hiểu được về cuộc sống, khơi gợi cho các con sự đồng cảm, sẻ chia với họ bằng những việc làm cụ thể.
Điều mà các con làm, nó là từ sự nhận thức, từ tình cảm của các con chứ không phải các con làm thiện nguyện cho có, làm để có được tấm… giấy chứng nhận hay được tuyên dương, cũng như mong nhận lại điều gì. Những bài học tuy nhỏ, nhưng dần dần sẽ là bài học lớn cho trẻ, để khi trưởng thành, ngoài tri thức chúng có một trái tim ấm áp, tấm lòng bao dung, sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với người xung quanh và với cộng đồng.
Em Nguyễn Thanh Bình, học sinh Trường THPT Ten Lơ Man, TPHCM cho biết, ở trường các em tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện như gói bánh Trung thu để tặng cho các bạn nhỏ ở mái ấm, quyên góp tiền để tặng học bổng tặng cho học sinh khó khăn và mới đây là hướng về miền Trung thân yêu…
Học sinh cùng giáo viên có những chuyến đi thăm các mái ấm, nhà mở dịp Tết, dịp 1/6.
“Qua những lần tham gia, em và các bạn hiểu và cảm nhận được cuộc sống của những người còn gặp khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Từ đó ý thức được việc sẻ chia với những người xung quanh. Trao yêu thương để nhận nụ cười”, Thanh Bình nói.