Không làm việc thiện theo phong trào

GD&TĐ - Ngay từ khi trẻ biết nhận thức, cha mẹ nên định hướng cho con làm việc thiện. Thế nhưng, đó không phải là những việc theo phong trào, làm cho giống ai đó... mà tấm lòng “thiện” phải bắt nguồn từ “nguyện”.

Học sinh tiểu học Hà Nội quyên góp thực phẩm ủng hộ đồng bào vùng lũ miền Trung. Ảnh: H.Cường.
Học sinh tiểu học Hà Nội quyên góp thực phẩm ủng hộ đồng bào vùng lũ miền Trung. Ảnh: H.Cường.

Không theo phong trào!

Trẻ còn nhỏ, nếu cha mẹ suốt ngày giảng dạy cho con rằng phải tích cực làm việc thiện sẽ khiến trẻ cảm thấy nhàm chán nếu thực sự trẻ không muốn. Vì vậy, thay vì nói về từ thiện, trong một hoàn cảnh nào đó, cha mẹ hãy nói cho con hiểu và tự cảm nhận thế giới xung quanh, và sự đóng góp nhỏ bé của trẻ sẽ phần nào làm thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Ví dụ, khi đi trên đường, gặp một em bé đi bán hàng rong, cha mẹ hãy phân tích cho con hiểu, không phải đứa trẻ nào cũng đủ điều kiện đi học, vì có tiền để sống, trẻ đã phải đi bán hàng từ sớm.

Cách nói của người lớn không chỉ giúp trẻ trân trọng những gì mình có, mà khi cho tiền em bé bán hàng rong hoặc mua đồ giúp, trẻ sẽ thân thiện, đồng cảm và chia sẻ thực sự.

Cô Nguyễn Thị Phương – giáo viên Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (HN) cho rằng: “Thiện nguyện giúp trẻ, ngay từ lứa tuổi mẫu giáo, mầm non, hình thành tính cách biết chia sẻ, sự đồng cảm, khoan dung và trách nhiệm với cộng đồng.

Những đứa trẻ được giáo dục hoạt động tình nguyện nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm điều đó khi trưởng thành. Ngoài ra, lợi ích đặc biệt quan trọng, đó là trẻ bắt đầu hình thành lòng biết ơn khi được tham gia các hoạt động từ thiện.

Tuy nhiên, cách hướng cho con lòng tốt bắt nguồn từ chính mong muốn của bản thân là giúp ích cho người khác rất quan trọng. Nó sẽ khiến trẻ cảm thấy từ thiện không phải là một phong trào làm cho vui vẻ”.

Cô Phương cho biết thêm, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nói con thả một ít tiền vào trong thùng quyên góp tại các nơi công cộng, hay đưa tiền cho những người ăn xin.

Nhưng điều đó không cho trẻ một cái nhìn thực tế về việc làm từ thiện. Trẻ cần có một khái niệm rõ ràng rằng việc quyên tiền đang được thực hiện là cho một nguyên nhân xứng đáng.

Bằng cách nào đó, người lớn hãy để trẻ em hiểu rằng số tiền trong thùng sẽ được gom lại, rồi người ta mang đi mua bánh mì, áo ấm, gạo hay làm quỹ để phát cho những người nghèo. Nếu không hiểu được giá trị của việc cho tiền, trẻ sẽ mãi chỉ làm việc theo “phong trào” chung mà thôi.

Chưa kể đến, trong các dịp làm từ thiện ở trường của con, nhiều cha mẹ chỉ muốn biết những bạn khác góp bao nhiêu tiền, để con mình góp theo, hoặc góp nhiều hơn. Điều này đã làm mất đi ý nghĩa của từ thiện, đồng thời, làm giảm giá trị sống có ích trong trẻ, chưa kể đến, nó còn đem lại những luồng suy nghĩ tiêu cực cho con.

“Của cho” và “cách cho”

Tốt nhất, các bậc cha mẹ nên để cho con cái của mình trải nghiệm việc làm từ thiện trực tiếp. Bạn không cần phải dành một thời gian đặc biệt nào đó để nói về tầm quan trọng và niềm vui của việc làm thiện nguyện. Chỉ cần bạn lựa đúng cơ hội.

Những điều bạn nói với con không chỉ cho con có những suy nghĩ nhạy cảm về một thế giới khác của cuộc sống mà còn khiến con có suy nghĩ bản thân sẽ giúp mọi thứ xung quanh tốt hơn. Điều này sẽ giúp con thích thú với việc làm ý nghĩa này.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Thanh niên cho rằng: “Ở độ tuổi nào, làm từ thiện cũng cần được “dạy”, nếu không, việc này chẳng đem lại ý nghĩa gì đối với “người cho” và “người nhận”. Nếu con còn bé, trẻ về khoe rằng hôm nay, bạn trong lớp đã góp được số giấy vụn làm kế hoạch nhỏ nhiều nhất trường, rồi trách móc bố mẹ không gom đủ giấy cho con.

Hay khi trẻ lớn hơn, có chút bực bội khi người bạn thân bỏ phong bì nhiều nhất lớp để ủng hộ người nghèo, cha mẹ hãy chủ động phân tích cho con. Ở những trường hợp như vậy, việc thiện nguyện của con đang làm theo phong trào mang tính hơn thua, chứ không có ý nghĩa đi giúp đỡ người khác”.

ThS Nguyễn Anh Tú cũng cho biết, nếu cứ kéo dài mãi hình thức làm từ thiện như thế, trẻ chỉ làm việc “thiện” chứ không “nguyện”. Lớn lên, đứa trẻ đó cũng có xu hướng nghĩ đến người nghèo chỉ là nơi tập kết đồ “dọn nhà” của chúng.

Trên thực tế, với nhiều người có tâm lý “dọn nhà”, những đợt quyên góp từ thiện luôn là thời điểm thích hợp nhất để họ thực hiện điều này. Quần áo cũ, thậm chí rách hỏng, giấy vụn bừa bãi hay giầy dép không còn sử dụng được… được trẻ nghĩ ngay đến việc gom lại để mang đi từ thiện.

Chưa kể đến, những cuộc đi thiện nguyện kiểu phong trào chỉ mang tính để báo cáo thành tích trên mạng xã hội, để chụp ảnh thể hiện việc mình mới làm chứ không phải vì niềm vui giúp đỡ người khác.

Người lớn, hãy luôn làm tấm gương để hướng con đến các hoạt động cộng đồng, để con hiểu được giá trị của những việc mình làm với xã hội. Từ đó, trẻ sẽ thấy mỗi hành động nhỏ sẽ góp lên một ý nghĩa lớn lao đối với những hoàn cảnh khó khăn.

Việc cho đi cũng cần thành ý, bởi người xưa vẫn nói “của cho” không bằng “cách cho”. Quần áo gấp phẳng phiu, sách vở gói cẩn thận và phân loại rõ để trao đến tay người nghèo, họ không chỉ nhận được vật chất mà còn cả động lực để vươn lên vượt qua khó khăn.

Có rất nhiều hình thức làm từ thiện, với trẻ nhỏ, để tránh việc làm mang tính ép buộc, hơn thua, cha mẹ có thể cho con tham gia các dự án thiện nguyện. Đây cũng là hành trình để con trải nghiệm, cảm nhận từng bước công việc mà mình làm, rồi đón nhận kết quả đó.

Tất nhiên, hãy để con đến những việc này một cách tự nguyện chứ không phải là ép con tiết kiệm tiền mang đi quyên góp, để mong con thu được kết quả gì đó. Như vậy, tấm lòng thiện đã không còn xuất phát từ tâm, mà đều đặt mong muốn cá nhân lên trên. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.