Sự thay đổi mạnh mẽ trong diện mạo và trải nghiệm mà công chúng được chứng kiến tại các không gian bảo tàng tại Việt Nam có sự góp sức quan trọng của nhà thiết kế trưng bày người Pháp là Patrick Hoarau.
Thông hiểu văn hóa Việt Nam
Ngày 4/6, tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhà thiết kế trưng bày Patrick Hoarau – người mang lại nhiều dáng vẻ mới trong tiến trình đổi mới các bảo tàng và di tích ở Việt Nam đã chia sẻ những triết lý trong kiến trúc và thiết kế không gian trưng bày tại Hội thảo “Thiết kế đồ họa và không gian trưng bày triển lãm, bảo tàng và không gian văn hóa Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức bởi sự hợp tác giữa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Khoa Thiết kế Mỹ thuật, Khoa Nội thất và Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Sự kiện đã thu hút đông đảo giới chuyên gia và quản lý bảo tàng, di tích cũng như lĩnh vực bảo tồn di sản.
Patrick Hoarau - một trong những nhà thiết kế trưng bày hàng đầu thế giới, với sự tập trung vào việc thiết kế không gian đồ họa kiến trúc cho triển lãm. Sự nghiệp của ông đã có nhiều dấu ấn độc đáo trên các dự án trưng bày triển lãm quốc tế, như: Không gian tháp Eiffel - Paris, Bảo tàng Le Lourve, Bảo tàng Jeanne D’arc, di tích ký ức Địa Trung Hải (Pháp).
Patrick Hoarau chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo 'Thiết kế đồ họa và không gian trưng bày triển lãm, bảo tàng và không gian văn hóa Việt Nam'. |
Tại Việt Nam từ năm 2007, Patrick Hoarau đã tham gia thực hiện nhiều dự án văn hóa và du lịch ở Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Phật giáo Yên Tử. Ngoài ra, ông còn thiết kế các hệ thống nhận diện hình ảnh cho nhiều địa điểm văn hóa: Bảo tàng Đắk Lắk, thiết kế logo mới cho Hội trường Thống Nhất tại TPHCM, một số bảo tàng tư nhân...
Ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chuyên gia Patrick Hoarau đã giúp xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn với ý tưởng xuyên suốt bảo đảm hài hòa với cảnh quan. Các biển chỉ dẫn được làm bằng đá xám với chữ trắng nổi bật trên nền hoa văn các bản dập bia Tiến sĩ.
Mỗi tấm biển đều được tính toán kỹ, kể cả vị trí đặt. Đặc biệt, nơi bán vé được làm mới và chuyển khỏi vị trí cũ, đặt xa hẳn cổng chính hài hòa với hệ thống biển chỉ dẫn và không gian khu Tiền Án, để mở rộng tối đa góc nhìn của du khách ngay từ đầu khi đến với di sản.
Logo và bộ nhận diện thương hiệu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng được ông thực hiện thiết kế, với cảm hứng lấy từ cách viết chữ thể triện của Hán tự. Ông đã diễn giải các chữ tượng hình với sự suy tưởng kết nối - tiếp nối của tri thức và văn hóa. Thậm chí, logo và bộ nhận diện thương hiệu của Bảo tàng Hà Nội cũng có sự góp sức không nhỏ của Patrick Hoarau – với ý nghĩa mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô.
Patrick Hoarau còn ghi dấu ấn mạnh mẽ tại các trưng bày chuyên đề mang tính chuyên sâu về đề tài lịch sử và giáo dục Việt Nam. Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” diễn ra vào năm 2022 - 2023 là minh chứng sống động nhất về tài năng và tâm huyết của vị chuyên gia này.
Sau gần 3 năm kể từ lúc lên ý tưởng và bắt tay vào thực hiện các công đoạn từ nội dung, thiết kế mĩ thuật đến thi công với trên 200 tài liệu, hiện vật... đã đưa người xem ngược thời gian trở về với Quốc Tử Giám qua từng mốc lịch sử với khởi đầu là thời Lý, phát triển dưới thời Trần - Hồ, đỉnh cao là thời Lê - Mạc - Lê trung hưng, biến đổi dưới thời Nguyễn, và sự hồi sinh của di tích thời đương đại.
Để bảo tàng là nơi không khoảng cách
Quay trở lại Việt Nam trong Hội thảo “Thiết kế đồ họa và không gian trưng bày triển lãm, bảo tàng và không gian văn hóa Việt Nam”, nhà thiết kế trưng bày Patrick Hoarau đã chia sẻ chi tiết những triết lý thực tiễn nhất - bao gồm kiến trúc và thiết kế không gian trưng bày, cách trưng bày thường xuyên trong bảo tàng, triển lãm chuyên đề, triển lãm đồ họa cũng như vấn đề âm thanh trong các không gian trưng bày.
Patrick Hoarau cho rằng, trong mỗi dự án phải luôn coi các thách thức trở thành lợi thế để khai thác. Dù là thách thức về thủ tục hành chính, nội dung hay về không gian trưng bày, ông đều cùng các cộng sự tìm ra phương án tối ưu nhất nhằm truyền đạt câu chuyện, thông điệp của trưng bày một cách trọn vẹn: “Ở mỗi dự án trưng bày, để thiết kế, chúng tôi phải dành 3/4 thời gian tìm hiểu nội dung. Chúng tôi thường xuyên đối thoại và đối thoại theo nhiều hình thức khác nhau với nhóm nội dung để tìm được tiếng nói chung”.
Hội thảo thu hút đông đảo giới chuyên môn và quản lý bảo tàng, di tích. |
Nhà thiết kế trưng bày người Pháp cũng nêu việc xác định nội dung trưng bày, rằng bảo tàng phải tiến hành phân tích nhóm công chúng, các nhóm ưu tiên, nhóm mục tiêu, nhóm tiềm năng... để đưa ra nội dung và thiết kế trưng bày phù hợp. Với trưng bày thường xuyên, việc đổi mới phải dựa trên thiết kế, từ thiết kế đồ họa đến tổ chức lộ trình trưng bày.
Đặc biệt, việc xây dựng sự logic trong nguyên tắc sử dụng hình ảnh, phim trưng bày, các bài viết cung cấp thông tin theo cấp độ, tạo sản phẩm đồng bộ theo xu thế của sự phát triển của bảo tàng trong nước và trên thế giới.
Trưng bày chuyên đề cũng cần đổi mới cho phù hợp với đối tượng mà bảo tàng hướng tới. Người thiết kế trưng bày chuyên đề phải thấu hiểu mục đích, yêu cầu của các chương trình để tổ chức nội dung trưng bày hài hòa với góc tương tác.
Đổi mới không gian ngoại thất, tạo dựng một hình ảnh diện mạo mới của bảo tàng theo hướng thân thiện, gây sức hút với công chúng cũng là điều cần chú ý. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với sự hợp tác tư vấn của Patrick Hoarau đã mạnh dạn “vứt bỏ” hàng rào - vật cản tạo cảm giác công sở nhiều hơn là một địa chỉ văn hóa, khiến không gian bên trong và ngoài được giao thoa với nhau, làm cho du khách tò mò muốn bước chân vào bên trong để khám phá, tìm hiểu các giá trị của bảo tàng.
Là người thường xuyên tiếp xúc, làm việc và hợp tác với nhà thiết kế trưng bày Patrick Hoarau, PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đánh giá Patrick Hoarau là một chuyên gia có tầm ảnh hưởng lớn với nhiều dự án thiết kế trên thế giới cũng như tham gia thực hiện nhiều dự án văn hóa, mang lại nhiều dáng vẻ mới trong tiến trình đổi mới các bảo tàng cũng như di tích ở Việt Nam.