Trải nghiệm văn hóa truyền thống tại bảo tàng

GD&TĐ - Chương trình 'Trải nghiệm văn hóa truyền thống' Xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức từ ngày 17 - 20/2 tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum.

Nghệ nhân chỉnh cồng chiêng tại chương trình 'Trải nghiệm văn hóa truyền thống'.
Nghệ nhân chỉnh cồng chiêng tại chương trình 'Trải nghiệm văn hóa truyền thống'.

Để du khách gần xa hiểu hơn về văn hóa, phong tục tập quán của những dân tộc anh em, dịp đầu năm mới Giáp Thìn, Bảo tàng tỉnh Kon Tum tổ chức chương trình “Trải nghiệm văn hóa truyền thống”.

Lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc

Chương trình “Trải nghiệm văn hóa truyền thống” Xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức từ ngày 17 - 20/2 tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum. Đây là chương trình được tổ chức thường niên vào dịp đầu Xuân năm mới nhằm giới thiệu đến đông đảo khách tham quan, nhà nghiên cứu về bản sắc văn hóa, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum.

Tham gia chương trình, các nghệ nhân cũng được tạo điều kiện trình diễn, giao lưu và có cơ hội đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với công chúng. Đây cũng là hoạt động giúp thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu về văn hóa truyền thống.

Khi thực sự quan tâm và có nền tảng thông tin, kiến thức, các em có nhận thức và ý thức trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Năm nay chương trình “Trải nghiệm văn hóa truyền thống” có 7 dân tộc anh em được mời đến biểu diễn các lễ hội, trò chơi dân gian nhằm lưu giữ, phát huy bản sắc dân tộc.

Từ huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) chị Lương Thị Thanh Hương (20 tuổi) cùng đoàn nghệ nhân dân tộc Thái đã vượt hơn 150km để đến Bảo tàng tỉnh Kon Tum biểu diễn điệu múa xòe, múa sạp truyền thống.

“Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chương trình này nên thấy rất vui, thú vị và ý nghĩa. Đặc biệt tôi được tìm hiểu, giao lưu điệu múa chiêng, xoang và nhiều loại nhạc cụ như đàn đá, đàn T’rưng của các dân tộc anh em. Đây cũng là dịp để người Thái chúng tôi lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của mình”, chị Thanh Hương hứng khởi cho biết.

Tích cực tham gia trò chơi ném còn, em Nguyễn Đình Hải (học sinh Trường THCS Thực hành Sư phạm Lý Tự Trọng, TP Kon Tum) hào hứng cho biết, đây là lần đầu tiên được trải nghiệm trò chơi dân gian này. Bởi trước đây, em chỉ “ngắm” các trò chơi như ném còn, nhảy sạp qua những chương trình trên tivi.

Những người phụ nữ Hà Lăng với điệu múa Chiêu.

Những người phụ nữ Hà Lăng với điệu múa Chiêu.

Khám phá nhạc cụ độc đáo

Đến với chương trình, các đoàn nghệ nhân mang đến những loại nhạc cụ truyền thống như: Vông, K’lông Pút, Tinning, Đinh Jơng, BrọĐung, đàn T’rưng, đàn đá, cồng chiêng…

Bà Y Hler (52 tuổi, đoàn nghệ nhân dân tộc Ha Lăng, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) cho hay, tham gia chương trình, đoàn nghệ nhân đã biểu diễn các nhạc cụ truyền thống như Đinh Pút, cồng chiêng và múa Chiêu.

Theo bà Y Hler, mỗi loại nhạc cụ truyền thống của người Ha Lăng (tên gọi khác của dân tộc Xơ Đăng) đều được sử dụng trong các hoạt động cụ thể. Để chế tác ra các loại nhạc cụ đòi hỏi nghệ nhân cần có đôi bàn tay khéo léo, kỹ thuật tốt cùng sự tỉ mỉ học hỏi.

Hiện nay, trong cộng đồng các thôn, làng của người Ha Lăng không còn nhiều nghệ nhân có thể chế tác được những loại nhạc cụ nữa. Song, các nghệ nhân lớn tuổi vẫn đang miệt mài chế tác và tìm kiếm, trao truyền để phát triển kỹ năng cho các nghệ nhân trẻ, giúp bảo tồn nhạc cụ của dân tộc.

Nhiều ngày trước, để mang Ting Gling (đàn suối) đến tham gia chương trình, ông A Huynh (42 tuổi, đoàn nghệ nhân người Jrai, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) cùng nhiều người khác đã phải vào rừng sâu tìm những ống lồ ô. Các nghệ nhân chọn những ống lồ ô to với kích thước khác nhau rồi đem về phơi cho thật khô. Trên mỗi ống lồ ô, nghệ nhân sẽ khoét một lỗ sao cho tương ứng với từng nốt nhạc.

Theo ông A Huynh, về tổng thể Ting Gling gồm ba bộ phận hoạt động theo dây chuyền. Bộ phận thứ nhất gồm nhiều ống nứa kích cỡ khác nhau được treo thẳng đứng, phân bổ theo thứ tự âm thanh phát ra từ trầm đến vừa và thanh cao.

Bộ phận thứ hai gồm nhiều thanh gỗ, bố trí gắn với hệ thống truyền chuyển động, sao cho khi dây chuyền hoạt động, các thanh gỗ này chuyển động nhịp nhàng qua lại và gõ vào ống nứa phát ra âm thanh. Bộ phận thứ ba là máng hứng nước từ nguồn nước tự nhiên.

Nước xối vào máng đến khi đầy, máng sẽ tự động trĩu xuống, kéo theo cả hệ thống thanh gõ hoạt động, lần lượt gõ vào các ống nứa làm các ống này phát ra âm thanh.

Khi máng trĩu xuống, nước trong máng bị đổ hết ra ngoài, máng chuyển động trở về vị trí ban đầu, cũng lại làm cho hệ thống thanh gõ hoạt động gõ vào các ống nứa. Cứ thế, máng nước trĩu xuống, nâng lên, làm cho hệ thống thanh gõ chuyển động qua lại liên tục gõ vào ống nứa suốt ngày đêm và phát ra âm thanh theo chu kỳ chuyển động.

Học sinh trải nghiệm trò chơi ném còn.

Học sinh trải nghiệm trò chơi ném còn.

“Sự độc đáo của đàn nước là tạo ra âm thanh, tiết tấu gần giống như một dàn cồng chiêng. Chỉ với những ống nứa, những đoạn gỗ, vậy mà đàn nước có đầy đủ các âm thanh trầm, bổng như các nốt nhạc.

Tùy theo nguồn nước lớn, nhỏ khác nhau mà người dân làm đàn nước với các kích cỡ. Âm thanh đàn nước hàng ngày vừa đuổi chim, thú để giữ rẫy lại giúp bà con vui vẻ khi làm lụng trên nương rẫy”, ông A Huynh chia sẻ.

Ông Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kon Tum cho biết, chương trình “Trải nghiệm văn hóa truyền thống” nhằm tạo ra sân chơi để các đoàn nghệ nhân giao lưu, trải nghiệm. Bên cạnh đó là bảo tồn bản sắc văn hóa và giới thiệu những nét đẹp truyền thống, nhạc cụ độc đáo của các dân tộc đến với bạn bè gần xa.

“Để thực hiện chương trình, đơn vị chúng tôi đã mời nghệ nhân và đoàn nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm trong việc chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống của các dân tộc như: Ha Lăng, Jrai, Giẻ Triêng… nhằm giới thiệu đến người dân, du khách.

Các loại nhạc cụ được chế tác tại chỗ sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về nguồn gốc, xuất xứ cũng như các bước chế tạo. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các loại nhạc cụ truyền thống và văn hóa truyền thống của các dân tộc”, ông Quang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ