Cập nhật đều đặn các hoạt động mới trên các nền tảng mạng, dành một không gian sáng tạo cho trẻ em, duy trì các buổi biểu diễn âm nhạc ngoài trời vào chiều Chủ nhật hàng tuần, tăng cường kết nối với khán giả qua các triển lãm, tọa đàm hấp dẫn…
Đó là những đổi mới của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong thời gian gần đây, thu hút sự chú ý của giới yêu hội họa, những gia đình nhỏ và rất nhiều bạn trẻ đang sinh sống, học tập trên địa bàn Thủ đô, chưa kể các khách du lịch trong nước và quốc tế.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một địa chỉ văn hóa nằm ngay trên con phố Nguyễn Thái Học nhộn nhịp người qua lại, khuôn viên rộng nhiều cây xanh, kiến trúc tòa nhà vẫn giữ nguyên vẹn được hình dáng và không gian thuở ban đầu với giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử độc đáo, sâu sắc.
Hơn thế nữa, nơi đây còn lưu giữ những bộ sưu tập mỹ thuật lớn qua các thời kỳ, từ cổ sơ đến đương đại, là tài sản vô giá của quốc gia, phần nào phản ánh những chặng đường lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của dân tộc.
Đa dạng hóa những hoạt động của Bảo tàng, hướng tới khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ là một hướng đi đúng đắn. Điều này không chỉ góp phần tăng doanh thu, mà còn nâng cao vị thế, tăng thiện cảm và sự gần gũi của người dân đối với bảo tàng, khai thác những vùng không gian còn để trống phục vụ cho các hoạt động nghệ thuật, trở thành cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng.
So với nhiều bảo tàng khác, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có một lợi thế riêng biệt, hấp dẫn, đầy tiềm năng. Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, nghệ thuật thị giác phát triển, thực sự đem lại lợi nhuận về kinh tế và văn hóa thì một đơn vị sự nghiệp như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng và nhiều đơn vị khác nói chung không thể đứng ngoài cuộc.
Kinh tế càng phát triển, điều kiện vật chất càng được nâng cao thì con người càng có điều kiện hưởng thụ nghệ thuật. Lịch sử nghệ thuật luôn gắn với lịch sử phát triển nhân loại. Lịch sử ấy đã chỉ ra rằng: Nghệ thuật bồi đắp cảm xúc, thẩm mỹ, nhân văn, văn minh cho nhân loại; nghệ thuật giúp con người xích lại gần nhau hơn, trong hòa bình, trong sự trân trọng cái riêng cái khác.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy trẻ em được tiếp xúc với nghệ thuật càng sớm càng tốt. Trong khi đó việc giảng dạy các bộ môn nghệ thuật tại các nhà trường phổ thông hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế.
Việc học vẽ, học âm nhạc ở các trung tâm tư nhân tốn một nguồn kinh phí không nhỏ và không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em theo học. Tác phẩm mỹ thuật độc bản cũng là món hàng xa xỉ đối với phần đông các gia đình Việt.
Do đó, đưa nghệ thuật đến với cuộc sống, hòa mình vào cuộc sống, để mỗi người được bình đẳng trước nghệ thuật là một hướng đi cần được thúc đẩy và phát triển bền vững.