Xem trọng bán vé hơn văn hóa
Theo thống kê chưa đầy đủ, nước ta hiện có khoảng 162 bảo tàng, trong đó có 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập. Bảo tàng Việt Nam được chia thành: Bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh và bảo tàng tư nhân.
Theo giới chuyên gia, các bảo tàng tuy là thiết chế văn hóa phi lợi nhuận, có vai trò và đặc trưng riêng mà các thiết chế văn hóa - giáo dục khác không có được, nhưng trong số trên 160 bảo tàng công lập thì đa số bảo tàng địa phương chỉ là lập ra cho đủ, hoạt động theo thể lệ “sáng mở cửa ra, chiều đóng cửa vào”.
Sự thật có những bảo tàng cấp tỉnh, cả tuần không có một khách tham quan. Có những bảo tàng sân mọc kín cỏ và rêu, nếu không có nhân viên túc trực thì người ngoài nghĩ rằng đó là một tòa nhà bỏ hoang.
Ngay tại Hà Nội, một số bảo tàng cũng ế ẩm, khách tham quan chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng vì không có khách tham quan nên một số bảo tàng sử dụng không gian để làm nhà hàng tiệc cưới, quán cafe, hàng cơm, bãi đỗ xe, nơi trung chuyển tour du lịch, cho thuê tổ chức sự kiện.
Từ trước tới nay, hầu hết các bảo tàng đều hi vọng vào nguồn vé bán ra. Tuy nhiên, vì quá chăm chú đến bán vé mà việc tái đầu tư cho bảo tàng – cả về tư liệu, hiện vật lẫn trưng bày đều bị bỏ qua. Trong khi đó, xu hướng của khách tham quan thay đổi liên tục, không ai đến bảo tàng để xem những thứ từng xem.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, khi bàn về hiệu quả kinh tế của bảo tàng thì có nhiều vấn đề khác cần đưa vào vì liên quan. Tuy nhiên để bảo tàng đông khách, việc giải quyết mối tương quan giữa trưng bày và kinh tế là cấp thiết. Nếu bảo tàng hoạt động với những trưng bày không có khách thì rõ ràng không hiệu quả.
“Có những suy nghĩ về câu chuyện “ăn xổi” trong hoạt động bảo tàng. Ví dụ như, khi đầu tư thực hiện một trưng bày, việc đầu tiên là phải tính toán thu được bao nhiêu tiền. Đó là một quan điểm, và tôi rất trăn trở về quan điểm này bởi mục đích của bảo tàng là văn hóa, là nhằm thỏa mãn được nhu cầu văn hóa của nhân dân, để thúc đẩy du lịch.
Tuy nhiên, khi đã đầu tư cho một trưng bày hay cho hoạt động ở bảo tàng mà phải thu về ít nhất là hòa số tiền đầu tư thì đúng là thách thức. Bảo tàng chạy theo tư duy “ăn xổi” này thì rất nguy hiểm bởi nó cản trở các hoạt động văn hóa hướng đến chất lượng cao”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhận định.
Theo giới chuyên gia, thực trạng “ăn xổi” trong lĩnh vực bảo tàng dù là “lợi bất cập hại” nhưng trong một thời gian dài, nó gần như là cách thức duy nhất để các bảo tàng “bước tiếp”.
Trong 2 năm trở lại đây, với những thay đổi trong cơ chế quản lý vận hành, việc đầu tư cho bảo tàng bằng nhiều nguồn khác nhau, từ Nhà nước đến các tổ chức, xã hội hóa... với các cách thức hợp tác, liên kết từ nguồn vốn xã hội hóa giúp bảo tàng bớt căng thẳng về áp lực nguồn thu.
Tuy bảo tàng hết thời “ăn xổi” nhưng việc vận hành theo cách thức liên kết lại đặt ra những thách thức mới. Dù bảo tàng không còn bị động nhưng phải thay đổi để thích ứng, phải tự “đi tìm” khách, xây dựng chiến lược hút khách và giữ chân khách.
Hoạt động giáo dục trải nghiệm được đề cao tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. |
Đưa bảo tàng thành lớp học thực tế
Năm 2024, Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế ICOM khuyến khích các bảo tàng hướng tới chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu” để nhấn mạnh vai trò then chốt của các thiết chế văn hóa. Trong đó, bảo tàng có vai trò như là các trung tâm khuyến khích học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy phê phán của khách tham quan.
Bảo tàng không chỉ phải thay đổi, tự làm mới mình, mà còn phải có tính tương tác, kết nối cộng đồng. Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia không chỉ thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại chỗ, mà còn phối hợp với gần 30 bảo tàng, di tích trên cả nước để thực hiện các chương trình giáo dục trải nghiệm.
“Bảo tàng và cộng đồng có mối quan hệ sâu sắc. Bảo tàng ra đời để phục vụ cộng đồng, mang lại cho công chúng những giá trị và trải nghiệm. Tuy nhiên, giá trị đó không chỉ nằm ở những hiện vật trưng bày trong tủ kính, mà còn thể hiện ở trách nhiệm của những người làm bảo tàng và giáo dục.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện liên kết để mở tour xe đạp trải nghiệm khám phá cảnh quan Thủ đô về đêm. |
Đó là làm sao để công chúng cảm nhận, hiểu và lưu giữ ấn tượng tốt về di sản. Để đạt được điều này, cần phải nhìn từ góc độ của công chúng, từ đó đa dạng hóa các hoạt động giáo dục và trải nghiệm”, bà Lê Thị Liên - cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết.
Tại Bảo tàng Hà Nội việc xây dựng nội dung chương trình giáo dục phù hợp cho các đối tượng, đặc biệt là học sinh - sinh viên khi đến tham quan bảo tàng cũng được chú trọng. Trong năm 2023 và tính đến tháng 4/2024, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức cho khoảng 17.000 khách tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm.
“Bảo tàng Hà Nội thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục để xây dựng những nội dung chuyên đề phù hợp theo Chương trình Giáo dục địa phương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa bảo tàng thành lớp học thực tế cho học sinh, giúp cho các chương trình giáo dục được đổi mới và đạt hiệu quả tốt hơn.
Những tiết học đặc biệt tại bảo tàng bên cạnh được tham quan thì tiếp xúc gần với những hiện vật theo từng chủ đề sẽ giúp học sinh hào hứng, ghi nhớ kiến thức nhanh hơn và lâu hơn”, ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội chia sẻ.
Theo TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, sự phát triển các chương trình giáo dục trong bảo tàng, di tích phản ánh tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa này với xã hội. Bảo tàng là thiết chế văn hóa giáo dục có đối tượng công chúng rộng rãi, trong đó thế hệ trẻ vừa là công chúng mục tiêu vừa là công chúng tiềm năng. Hoạt động giáo dục, trải nghiệm không chỉ là hướng đi giúp lan tỏa, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học gắn với hiện vật, mà còn là cách thức để bảo tàng phục vụ công tác bảo tồn theo hướng bền vững.