Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, các Bộ: GD&ĐT, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH công lập, gửi lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đã trình Chính phủ lấy ý kiến Thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, do Nghị định số 16/2015/NĐ-CP là quy định khung còn nhiều nội dung chưa phù hợp với quan điểm đẩy mạnh tự chủ đối với cơ sở giáo dục ĐH và lĩnh vực GD-ĐT. Vì vậy, đến nay dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH công lập vẫn chưa được thông qua.
Văn bản số 252/TB-VPCP ngày 22/7/2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về sửa đổi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP yêu cầu các Bộ quản lý chuyên ngành: “Không ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ về tài chính riêng trong từng lĩnh vực”. Nghị quyết số 31/NQ-CP giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó bao gồm cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực GD-ĐT) trình Chính phủ ban hành. Trong quá trình phối hợp xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ GD&ĐT đã có các văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất các nội dung đặc thù về tài chính của lĩnh vực GD&ĐT để tích hợp trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.
Đối với quy định về tự chủ học thuật, nghiên cứu khoa học của các cơ sở đào tạo ĐH, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 và Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.
Với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, Nghị định số 24/2021/NĐ-CP quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập đã được ban hành.
Trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đề nghị cử tri tham mưu cho UBND tỉnh Phú Thọ hướng dẫn các cơ sở GD-ĐT trên địa bàn tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện xã hội hóa lĩnh vực GD-ĐT, như: Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về đầu tư, hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD-ĐT giai đoạn 2019 - 2025.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT quy định về việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ cho cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trên tinh thần tự nguyện và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn thu từ hoạt động tài trợ.