Tự chủ tài chính: Loại bỏ dần cơ chế “xin – cho”

GD&TĐ - Đổi mới cơ chế tài chính theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học công lập là xu thế tất yếu và khách quan.

Tự chủ đại học bao gồm tự chủ về nhân sự, tự chủ học thuật và tự chủ tài chính. Ảnh minh họa
Tự chủ đại học bao gồm tự chủ về nhân sự, tự chủ học thuật và tự chủ tài chính. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vẫn cần nghiên cứu để đổi mới và phát huy cơ chế này trong thời gian tới.

Xu thế khách quan 

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thực hiện thí điểm quyền tự chủ về tài chính, nhà trường đã xây dựng Quy chế quản lý tài chính với mục tiêu thống nhất quản lý, bảo đảm tuân thủ các quy định của Nhà nước; tăng quyền chủ động và trách nhiệm của đơn vị trong phát triển, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Qua đó, tạo động lực cho đơn vị trực thuộc nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động đào tạo và nghiên cứu, tăng thu nhập cho cán bộ gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ; đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua cơ chế công khai, minh bạch và giám sát trong quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính. 

PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết: Cơ cấu các khoản thu của trường có sự thay đổi rõ rệt trước và sau khi thực hiện thí điểm tự chủ đại học. Các khoản thu tăng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà trường chủ động trong cân đối dòng tiền để triển khai các hoạt động, thực hiện tốt công tác dự toán, kiểm soát thu, chi chặt chẽ, bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm. Nhà trường tiếp tục tìm giải pháp để sử dụng nguồn kinh phí học phí nhằm cải thiện điều kiện học tập cho người học một cách hiệu quả nhất. Phần kinh phí có được do tăng học phí hàng năm sẽ được trường sử dụng để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng học và cơ sở thí nghiệm phục vụ đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín và thu hút người học.

Khẳng định, đổi mới cơ chế tài chính theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị giáo dục đại học công lập là xu thế khách quan và tất yếu của quá trình phát triển, PGS.TS Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y - Dược TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Tự chủ tài chính theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) sẽ giúp các trường sử dụng hiệu quả nguồn lực về tài chính và nhân sự cũng như nguồn lực khác. Tự chủ sẽ tạo điều kiện cho việc phát huy các nguồn lực phục vụ cho công tác GD-ĐT. Từ đó giúp cho đối tượng thụ hưởng là sinh viên được học tập trong các chương trình giảng dạy chất lượng cao, có trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy/học và thực hành, cùng với đội ngũ giảng viên giỏi có trình độ chuyên môn cao.

Tự chủ sẽ giúp các trường phát huy nguồn lực phục vụ cho công tác GD-ĐT. Ảnh: TG
Tự chủ sẽ giúp các trường phát huy nguồn lực phục vụ cho công tác GD-ĐT. Ảnh: TG

Cạnh tranh công bằng, lành mạnh

Để tự chủ hiệu quả, PGS.TS Trần Diệp Tuấn đề xuất: Cần đổi mới phương thức phân bổ ngân sách Nhà nước cho cơ sở giáo dục công lập trọng điểm qua hình thức đầu tư công (nguồn không thường xuyên hàng năm). Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế để thực hiện chính sách quốc gia thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu công khai, cạnh tranh lành mạnh.

Đồng thời tạo điều kiện và ủng hộ cạnh tranh công bằng cho các trường trong khối ngành sức khỏe, giữa hệ thống giáo dục công và tư. Sự đánh giá và lựa chọn trường học sẽ do xã hội quyết định, phụ huynh học sinh có quyền lựa chọn trường đại học với mức thu học phí tương ứng với chất lượng đào tạo thật sự, không thực hiện chủ nghĩa bình quân trong chính sách học phí.

Cùng với đó, tạo mọi điều kiện cho cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt là đào tạo khối ngành sức khỏe có đủ nguồn kinh phí. Cụ thể là có chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật cao và cho chuyên ngành sâu, đặc thù theo định hướng chiến lược phát triển quốc gia; ủng hộ việc xây dựng học phí tính đúng và đủ của các cơ sở giáo dục để không ngừng nâng cao chất lượng GD-ĐT, bao gồm việc phát triển và cải tiến chương trình đào tạo, đầu tư trang thiết bị dạy học, tăng thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi trong hệ thống giáo dục công lập.

GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: Đầu tư trong giáo dục, cụ thể là phân bổ tài chính cho giáo dục đại học đã và sẽ tiếp tục giữ vai trò rất lớn trong hoạch định ngân sách của Chính phủ, không nên đặt các trường đang được thí điểm tự chủ đạt được thành quả tốt ra khỏi danh mục đầu tư. Đây là bài toán mà các nhà hoạch định chính sách cần giải quyết để tìm ra phương án tối ưu, tránh phân chia ngân sách theo phương thức phân bổ bình quân. Cần có tổng kết đánh giá tổng ngân sách đã đầu tư cho các trường đại học; trong đó có đầu tư cơ bản và chương trình đặc thù trong mối tương quan với thành quả và chất lượng phát triển để có cơ chế điều chỉnh và đầu tư hợp lý, hiệu quả, hạn chế tình trạng “xin – cho”.

Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong, tự chủ đại học là lựa chọn đúng theo quy luật phát triển. Thực tế đã chứng minh qua thành công của một số trường được lựa chọn thí điểm. Tuy nhiên, đó chỉ là những bước đi đầu tiên chúng ta cần tiếp tục phân tích, đánh giá điều chỉnh để tự chủ đại học từng bước được các trường lựa chọn như một bước đi cho sự phát triển bền vững trên nền tảng hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và cơ chế đầu tư hợp lý. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ