Lúng túng trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật?
Xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật về GD làm căn cứ xác định chi phí, tính giá đặt hàng dịch vụ GD từ ngân sách Nhà nước là vấn đề được các chuyên gia tài chính giáo dục đặt ra, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách Nhà nước cho GD, nâng cao tự chủ về tài chính trong cơ sở GD-ĐT.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Văn Tớp (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, Hà Nội), nhiều trường ĐH vẫn đang lúng túng trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật. Chính sách định mức kinh tế - kỹ thuật còn khác nhau giữa các trường công lập và ngoài công lập.
Một trong những đề xuất được Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đưa ra lấy ý kiến để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét: Xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật về GD, làm căn cứ xác định chi phí, tính giá đặt hàng dịch vụ GD từ ngân sách Nhà nước, cũng như định giá dịch vụ cho cơ sở GD tự chủ (thí điểm tự chủ tài chính với cơ sở GD phổ thông và đẩy mạnh tự chủ trong cơ sở GDĐH).
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT có Thông tư 14/2019/TT-BGDĐT ngày 30/8/2019 hướng đẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ áp dụng trong lĩnh vực GD - ĐT làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương và cơ sở GD xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật làm căn cứ để xác định giá dịch vụ GD-ĐT.
Nói đến tự chủ trong cơ sở GD, ông Trần Tú Khánh (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT) cho rằng: Nhiều cơ sở GD muốn tự chủ tài chính. Nhưng tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Tự chủ cũng phải có khuôn khổ. Do đó, cần một văn bản pháp quy cho vấn đề tự chủ trong cơ sở GD-ĐT, định hướng đi như thế nào để các cơ sở “chạy theo” cho phù hợp. Cũng cần có giải pháp quản lý tránh tình trạng nhà trường không lợi dụng việc tự chủ để muốn làm gì thì làm.
Không tự chủ tài chính khó làm vấn đề khác?
PGS.TS Hoàng Văn Cường nêu quan điểm: “Phân bổ ngân sách cho GD-ĐT cần xem xét theo “đầu ra”, số người học. Xây dựng định mức tài chính để có cơ chế phân bổ ngân sách nhưng cũng cần cho cơ sở GD tự xây dựng xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và tự sử dụng. Hiện một suất chi tối đa ngân sách Nhà nước cho 1 sinh viên ĐH là 18 triệu/năm, con số này đã đủ chưa? Chắc chắn chưa đủ. Ví dụ, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân xây dựng định mức cho đào tạo khoảng hơn 100 triệu/năm. Tiền lương cho giảng viên xây dựng mức cao gấp đôi khung hiện nay. Nhưng tự chủ tài chính theo quy định đến năm 2021 phải tính đúng, tính đủ. Vậy sẽ phải tính ra sao?”.
Để tránh tình trạng được giao quyền tự chủ nhưng làm gì lại phải “xin” cơ quan quản lý, theo PGS Hoàng Văn Cường, cần phải giao cơ sở GD tự quản lý tài sản, chịu trách nhiệm về tài chính. Muốn vậy phải định giá được toàn bộ giá trị đầu tư, tài sản của cơ sở GD được Nhà nước đầu tư, giao cho cơ sở. Khi làm được điều đó, vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý sẽ nhẹ hơn nhiều.
“Theo tôi nếu không tự chủ được về tài chính không thể tự chủ được các khía cạnh khác. Tuy nhiên, tự chủ không có nghĩa là tự làm, tự thu - tự chi, tự làm - tự lo. Kể cả Nhà nước đầu tư tiền, cơ sở GD vẫn phải tự chủ. Có nơi không đưa ra được giá để đào tạo, Nhà nước có thể đặt hàng, rồi đề ra trách nhiệm mỗi năm phải đào tạo bao nhiêu suất ”- PGS Hoàng Văn Cường phân tích.
Bên cạnh đó, PGS Cường cho rằng: Bộ chủ quản phải tăng cường vai trò giám sát. Giám sát xem nhà trường làm gì và đã làm như thế nào. Giám sát xem trường có “chạy sai làn”, “chạy quá tốc độ”… trong thực hiện quản lý tự chủ tài chính. Phải tăng cường tính minh bạch, công khai trong thu - chi tài chính của nhà trường, từ việc trả lương cho ai, trả bao nhiêu, trả như thế nào, tại sao trả mức lương như thế, việc của thầy làm để được trả lương là gì… Trả lương cho giảng viên cao hay thấp do nhà trường tự cân đối, nhưng phải công khai. Rồi thu tiền học như vậy sinh viên được hưởng những gì, sử dụng cơ sở vật chất như thế nào… Sinh viên sẽ giám sát nhà trường việc này.
Bình luận