Tưởng nhớ cụ đồ Chiểu

Tưởng nhớ cụ đồ Chiểu

(GD&TĐ) - Nguyễn Đình Chiểu tự là Mạnh Trạch, hiệu là Trọng Phủ, Hối Trai (sau khi bị mù), sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822 tại Gia Định, mất ngày 3 tháng 7 năm 1888 tại Ba Tri - Bến Tre, được nhân dân kính yêu, trìu mến gọi là Đồ Chiểu. Ông là một nhà thơ lớn, một nhà giáo, và còn là một thầy thuốc. Cuộc đời của Đồ Chiểu là “tấm gương lớn về đạo làm người”[1]. Nguyễn Đình Chiểu để lại cho hậu thế bài học lớn về một nhân cách cao cả, đặc biệt một nghị lực phi thường, một tấm lòng yêu đất nước, yêu nhân dân vô bờ,… tất cả kết tinh trong một nhà nho khí tiết.

Từ thuở nhỏ, Đồ Chiểu đã phải trải qua những cơn quốc biến và gia biến lớn, kinh hoàng. Năm 1833, Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt nổi dậy khởi nghĩa ở Gia Định, chống triều đình Minh Mạng, Nguyễn Đình Chiểu đã phải theo cha là Nguyễn Đình Huy vốn làm thư lại cho tả quân Lê Văn Duyệt, chạy ra Huế trọ học.

Ở Huế, Nguyễn Đình Chiểu được gửi vào gia đình một viên quan thái phó, hàng ngày vừa lo việc điếu đài hầu hạ vừa học tập. Khoảng năm 1840, ông về Gia Định và đỗ tú tài trong khoa thi Quý Mão (1843). Sau đó, Nguyễn Đình Chiểu trở ra Huế chờ khoa thi Hội (1849). Nhưng, hay tin mẹ mất vào cuối năm 1848, ông vội vã bỏ khoa thi, bỏ tất cả công danh sự nghiệp đang mở ra trước mắt, quay về Nam chịu tang mẹ. Phần vì mệt nhọc, phần vì thương khóc mẹ cho nên ông bị ốm nặng, đôi mắt bị đau nay vì thương khóc mẹ nhiều nên đã bị mù. Hậu thế sẻ chia về đạo hiếu nghĩa ở con người Đồ Chiểu, người con đất Lục tỉnh Nam kỳ. 

Một người bị mù bẩm sinh vốn đã là một thiệt thòi, đau khổ. Một chàng trai với đôi mắt vốn đang sáng, đang được ngắm nhìn cảnh sắc đất trời, nay bỗng nhiên bị mù, tất cả đóng sầm trước mắt thì nỗi đau khổ còn lớn hơn gấp bội phần. Không những thế, đau khổ chưa hết thì chàng trai Nguyễn Đình Chiểu bị vị hôn thê bội ước, cảnh gia đình sa sút… Người bình thường có thể sẽ ngã quỵ trước những gia biến, những nỗi đau cá nhân đó. Nhưng tai họa khủng khiếp, những biến cố đó không thể làm cho người thanh niên đầy nghị lực ấy gục xuống. Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua. Trong hoàn cảnh bị mù, Đồ Chiểu vẫn nỗ lực học làm một thầy thuốc; hơn thế ông còn là một nhà thơ lớn, một thầy giáo được nhân dân yêu kính. Một người mù mà bằng ba người sáng. Nghị lực phi thường này là bài học thật lớn cho hậu thế, chính là “thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu” [2].

Là một nhà giáo mẫu mực, trọn đời Nguyễn Đình Chiểu dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Tiếp tục xiển dương phương pháp giáo dục “tri ngôn, dưỡng khí, tập nghĩa” của nhà trí thức, nhà giáo nổi tiếng Võ Trường Toản, Đồ Chiểu đã góp phần giáo dục, đào tạo nhiều thế hệ môn sinh nuôi dưỡng chí khí trở thành những “trang dẹp loạn”. Những vị anh hùng chống Pháp nổi tiếng như Nhiêu Đẩu, Nhiêu Gương ở Mỏ Cày – Bến Tre đến những trí thức Nho học như Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn… đã tiếp thu tâm huyết đó của thầy và đã làm vinh danh thầy Đồ Chiểu.

Điều đáng khâm phục nữa là khi đã bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thầy thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y uyên thông về y lý, đặc biệt là y đức và y đạo. Y thuật và y đạo để vừa cứu người vừa cứu dân, cứu nước. Khi ông mất biết bao nhiêu bệnh nhân được ông chữa khỏi đã đến xin chịu tang. Sự uyên thông về y lý, tất cả những tâm huyết về nghề y và tấm lòng đối với đất nước đã được thể hiện ở tác phẩm “Ngư Tiều y thuật vấn đáp”, một tác phẩm nổi tiếng dạy đạo cứu người và đạo làm người trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, được Đồ Chiểu sáng tác lúc cuối đời.

Và hơn hết, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Chính trong thơ văn thể hiện rõ những phẩm chất, con người và cuộc đời Đồ Chiểu. Mãn tang mẹ, từ năm 1851, ông mở trường dạy học ở Gia Định và bốc thuốc, bắt đầu sáng tác truyện thơ Lục Vân Tiên. Lục Vân Tiên là tác phẩm đầu tay chứa đựng yếu tố tự truyện thể hiện mơ ước, khao khát có được những con người đầy lòng nhân nghĩa như Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh… dưới một thời đại có những ông vua anh minh như trong kết thúc có hậu của truyện thơ Nôm đó. Cũng thời gian này, trước những đe dọa của thực dân Pháp ở Đà Nẵng, một mối lo trước họa xâm lăng đang rình rập, nhà nho yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã có ý thức muốn quy tụ lòng yêu nước dưới một ngọn cờ tư tưởng Nho giáo và để dạy đạo Khổng cho học trò, ông đã sáng tác “Dương Từ - Hà Mậu”[3].

Năm 1859, quân Pháp sau khi đánh chiếm Đà Nẵng không thành công, đã kéo vào Sài Gòn, tràn vào Bến Nghé. Thành Gia Định bị giặc chiếm đóng (17/2/1859). Nguyễn Đình Chiểu bị mù lòa nhưng nghe rất rõ tiếng súng xâm lược, hình dung rõ cảnh nhân dân chạy loạn và ông rất đau xót về những thảm cảnh mà giặc đã gây ra ở Bến Nghé, Đồng Nai quê hương yêu dấu: “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ bầy chim dáo dác bay/ Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”.  Yêu nước, thương dân, ông day dứt: 

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng?

Nỡ để dân đen mắc nạn này!

(Chạy Tây)

Từ đây, lịch sử dân tộc đã chuyển sang trang mới để bắt đầu ghi lấy những hàng ước đau buồn mà nhà nước phong kiến đương thời ký kết với thực dân. Và, cũng mở đầu cho những trang sử đẫm máu mà vẻ vang, oanh liệt của nhân dân ta chống trả quyết liệt bọn thực dân cướp nước. Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu giờ đây cũng gắn liền với cuộc kháng chiến của nhân dân. Đối với Đồ Chiểu, nhân nghĩa và chống giặc ngoại xâm là đức tính cao cả của dân tộc, nó hòa quyện thống nhất làm một, không tách rời nhau: 

Mến nghĩa bao đành làm phản nước,

Có nhân nào nỡ phụ tình nhà.

(Dương Từ- Hà Mậu)

Gia Định bị chiếm đóng, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ ở làng Thanh Ba, Cần Giuộc. Đến cuối năm 1861, giặc Pháp lại chiếm đóng Biên Hòa, Vĩnh Long. Trong lúc triều đình lúng túng, không dám đối phó với giặc thì nghĩa quân nổi lên khắp Nam Kỳ, tự động đánh địch mặc cho đường lối thỏa hiệp đầu hàng của triều đình Huế đã dẫn tới Hiệp ước ngày 5/6/1862 cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho thực dân Pháp. Nhân dân Nam Kỳ hết sức căm phẫn, đã đứng lên hưởng ứng lời kêu gọi của Trương Định. Dưới ngọn cờ “Phan, Lâm mại quốc, triều đình khí dân”, Trương Định đã theo nguyện vọng của nhân dân từ chối lệnh điều động của triều đình, ở lại Gò Công cùng với nhân dân đánh giặc, trở thành người lãnh tụ của phong trào nông dân. Nguyễn Đình Chiểu vì mù lòa, không thể trực tiếp tham gia đánh giặc, đành theo phong trào tỵ địa lánh về Ba Tri – Bến Tre, nhưng ông vẫn cùng với Trương Định bàn luận nhiều việc binh cơ quan trọng. Ngòi bút và sách lược của ông vẫn luôn tham gia cống hiến cho công cuộc kháng chiến cứu nước. 

Đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (1861), những nghĩa sĩ nông dân căm phẫn giặc ngoại xâm đã quả cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc. Trong trận chiến đó mười lăm nghĩa sĩ đã bỏ mình[4]. Những tấm gương của người nghĩa sĩ làm dấy lên niềm xúc động lớn trong nhân dân. Cảm thương những nghĩa sĩ đã hy sinh vì nghĩa lớn, Nguyễn Đình Chiểu viết nên bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" bất hủ, trở thành “ngôi đền thiêng trong văn học”. Với bài văn tế này, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, ông đã dựng lên bức tượng đài bằng nghệ thuật ngôn từ về người nông dân với những phẩm chất giản dị, chất phác và gần gũi. Ngay từ thể loại, đã thấy được tấm lòng trân trọng của Đồ Chiểu đối với người nghĩa sĩ nông dân. Bởi văn tế viết dùng cho những người đáng kính trọng, hơn nữa khi viết, người viết luôn hạ mình thấp hơn nhân vật được tế. Phải có tinh thần trân trọng và tấm lòng yêu mến thực sự, Đồ Chiểu mới có thể viết một cách cảm động bài văn tế bất hủ đó. 

Khi nói đến sự phát triển văn học, văn hóa của dân tộc Việt Nam phải nói đến ba danh nhân như ba cột mộc lớn đánh dấu sự mở rộng địa bàn từ Bắc vào Nam. Đó là Nguyễn Trãi, người đóng cột mốc lớn đầu tiên cho nền văn học, văn hóa Đại Việt tại Thăng Long, đại diện cho văn học, văn hóa miền Bắc ở thế kỷ XV; Nguyễn Du là người cắm cột mốc thứ hai cho văn học, văn hóa ở miền Trung vào thế kỷ XVIII và Nguyễn Đình Chiểu cắm cái mốc lớn góp phần hoàn thiện nền văn học, văn hóa dân tộc từ Bắc vào Nam vào thế kỷ XIX. Ở ba danh nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu có một điểm chung có lẽ đã làm nên sự bất tử đó là tấm lòng đối với dân. Từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã đề cao tư tưởng “lấy dân làm gốc”, luôn đau đáu niềm lo cho những “lê dân, con đỏ”. Nguyễn Du ở thế kỷ XVIII có “con mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ tới muôn đời" (Mộng Liên Đường) sẻ chia những cảm thông với cả “thập loại chúng sinh”. Và đến Nguyễn Đình Chiểu ta lại thấy nhà thơ mù đất Đồng Nai còn gần gũi hơn với nhân dân, thậm chí trân trọng, đề cao họ lên trên bản thân mình.

Cũng trong mạch cảm xúc trân trọng đó đối với những con người yêu nước, Nguyễn Đình Chiểu còn sáng tác những bài thơ điếu, những bài văn tế nổi tiếng đối với những lãnh tụ nghĩa quân như Trương Định, Phan Tòng… Năm 1874, ông lại sáng tác bài “Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh” cùng một tấm lòng với “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Đến cuối đời, khi mà những cuộc khởi nghĩa của nhân dân đều thất bại, ông vẫn thể hiện rõ khí tiết của một nhà nho bất hợp tác với kẻ thù qua hình ảnh Kỳ Nhân Sư trong tác phẩm cuối cùng “Ngư Tiều y thuật vấn đáp”. 

Là một nhà thơ, Nguyễn Đình Chiểu có quan niệm văn chương nhất quán. Ông chủ trương dùng văn chương biểu hiện đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Như trong câu thơ được coi là tuyên ngôn của ông: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, với Đồ Chiểu làm thơ là để "chở đạo, sửa đời và dạy người"[5].

Có thể nói sự vĩ đại ở Đồ Chiểu là sự hòa quyện của một tấm gương hiếu nghĩa, một nghị lực phi thường, một tài năng hiếm có, kết tinh những phẩm chất cao đẹp trong một nhà nho khí tiết, dựa trên cái nền tảng, cái gốc là tấm lòng yêu nước, yêu thương dân vô bờ. Chính cái gốc, nền tảng là lòng yêu nước và yêu thương dân vô bờ bến đó, Nguyễn Đình Chiểu mới được nhân dân yêu kính và tôn thờ. Nếu không, tài năng và nghị lực cũng sẽ mai một theo thời gian. Bởi vậy, nhân dân Việt Nam muôn đời sẽ nhớ mãi và yêu kính, tôn thờ mãi con người có tấm lòng yêu nước, thương dân, nhà thơ mù ở đất Đồng Nai: Đồ Chiểu.

Nguyễn Cảnh Chương

-----------------------

Chú thích:

[1] Trần Văn Giàu, Nguyễn Đình Chiểu – đạo làm người, Sở Văn hóa và Thông tin Long An xuất bản, 1983.

[2] Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Đình Chiểu, nhân cách của một nhà văn hóa lớn, http://vanchuongviet.org/( 01.11.2005). 

[3] Có ý kiến cho rằng tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu được viết trước khi Pháp xâm lược - 1858, cũng có ý kiến ngược lại, chúng tôi cho rằng tác phẩm có thể được viết trước khi Pháp xâm lược và được sửa chữa sau khi Pháp đánh Nam Kỳ.

[4] Số nghĩa sĩ hy sinh có nhiều tư liệu khác nhau, chúng tôi ghi theo Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb. Thế giới, 2004, tr. 1971.

[5] Theo Lê Chí Dũng trong Từ điển văn học (bộ mới), Nxb.  Thế giới, 2004, tr. 1129. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ