Triển lãm “Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp” nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (1/7/1822 – 1/7/2022) được khai mạc tại Bảo tàng TPHCM. Triển lãm đem đến nhiều tư liệu quý về một nhà giáo đặc biệt, người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, nhà thơ lớn của dân tộc.
Từ Bến Tre ra Huế
Chuyên đề triển lãm “Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp” giới thiệu 95 hình ảnh tư liệu, theo các cụm nội dung: Quê hương, gia đình; Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu; Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu; Nguyễn Đình Chiểu sống mãi; Hoạt động kỷ niệm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
Công chúng sẽ có dịp xem lại bức bản đồ Gia Định, do Trần Văn Học vẽ năm 1815 với quê mẹ Nguyễn Đình Chiểu thuộc làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.
Đồng thời, người xem có thể tìm thấy những hình ảnh tư liệu như: Bia lưu niệm tại chùa Tôn Thạnh (Long An) - nơi Nguyễn Đình Chiểu từng về dạy học và sáng tác.
Nền nhà ông Lê Tăng Quýnh ở huyện Cần Giuộc - nơi Nguyễn Đình Chiểu tá túc trong giai đoạn 1859 – 1862. Bia lưu niệm nơi Nguyễn Đình Chiểu về sống tại làng An Bình Đông (Bảo An - Vĩnh Long) giai đoạn 1862 - 1888...
Triển lãm còn trưng bày bức ảnh tư liệu chụp hậu duệ Nguyễn Đình Chiểu tại lễ khánh thành bia lưu niệm chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu trong chùa Tôn Thạnh vào ngày 11/10/1973, cùng một số bức tranh của họa sĩ Đoàn Việt Tiến vẽ về đề tài Nguyễn Đình Chiểu.
Ngoài ra, còn có phần hình ảnh chụp trang bìa các tác phẩm: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp; thơ văn yêu nước như: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Từ biệt cố nhân, Điếu Phan Thanh Giản...
Hình ảnh về các tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác trên nền các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu cũng được giới thiệu đến người xem.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, triển lãm là một phần trong chuyến “Hành trình theo bước chân cụ Đồ Chiểu”, do UBND tỉnh Bến Tre thực hiện sẽ đi từ Bến Tre đến Long An, ghé TPHCM và ra Thừa Thiên - Huế.
Sau khi ghé Long An viếng tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc và tặng quà cho hậu duệ bà Lê Thị Điền - phu nhân cụ Đồ Chiểu, đoàn hành trình đến TPHCM ghé thăm và tặng quà, học bổng cho học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Quận 10) và Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Quận Bình Thạnh).
Lan tỏa tinh thần cụ Đồ Chiểu
Ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu là người thầy thuốc đức độ. Với ông, “y dân” cũng là “y quốc” - nghĩa vừa chữa bệnh cứu người vừa thay đổi đời sống của dân, vận mệnh của đất nước. Triết lý đó được thể hiện trong tác phẩm “Ngư tiều y thuật vấn đáp”.
Cuộc đời, sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu luôn gắn liền với vận mệnh đất nước trong giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc.
Những năm đầu chống Pháp, với quan niệm sáng tác “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” - Nguyễn Đình Chiểu là ngọn cờ tiên phong của dòng văn học yêu nước thời cận đại.
Từ khi ra đời, các tác phẩm của ông đã góp phần làm nên diện mạo riêng của thơ ca miền Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19. Bên cạnh những bài văn tế nổi tiếng như “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, những bài thơ Đường luật sâu lắng, truyện thơ tiêu biểu: “Lục Vân Tiên”, “Dương Từ - Hà Mậu”… đã đi vào tâm thức người Nam Bộ.
GS Nguyễn Khắc Thuần - Hội Nhà văn TPHCM nhận định: “Người mắt sáng dạy học đã khó, người mù mắt dạy học thì còn khó hơn vạn lần. Vậy mà bằng tất cả ý chí, thiện cảm, kinh nghiệm - Nguyễn Đình Chiểu đã sớm trở thành một nhà giáo giàu uy tín”.
Hơn 20 năm cuối đời, ông lui về dạy học và làm thuốc chữa bệnh cho dân tại làng An Đức (Ba Tri - Bến Tre). Tài năng và tiết tháo của nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu đã làm nên sự nghiệp vẻ vang, lưu danh muôn thuở.
Hơn 100 năm qua, nhà thơ – nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu vẫn được nhân dân tôn vinh, nhắc nhớ. Mới đây, nghệ nhân thư pháp Vũ Đăng Học đã trao quyển sách thư pháp về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu cho thư viện mang tên ông.
Sách có kích thước lớn 1.8x1.4 m, thêm phần chân đế với tổng chiều cao 2m. Sách được chế tác thủ công bằng giấy xuyến chỉ, đóng trong vỏ hộp gỗ sồi phối gỗ gõ đỏ, được chạm nổi chân dung Nguyễn Đình Chiểu.
Sách gồm 209 trang thư pháp, trong đó 200 trang chính gồm các danh tác của cụ và tuyển tập thơ của các thế hệ sau viết về Nguyễn Đình Chiểu. 9 trang phía sau là tranh trang trí và bức thư pháp chữ Đạo được điêu khắc nổi, dát vàng.
Tác phẩm được nghệ nhân thực hiện trong khoảng thời gian hơn 5 tháng và hiện đang đăng ký xác lập kỷ lục thế giới về quyển sách thư pháp có kích thước lớn nhất từ trước đến nay.
Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, đại diện UBND tỉnh Bến Tre cho biết sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: Hội thảo khoa học quốc tế và lễ kỷ niệm được tổ chức vào cuối tháng 6. Ngành Giáo dục Bến Tre cũng tổ chức nhiều hoạt động lớn tại một số trường học để lan tỏa tinh thần “hành đạo” theo bước chân cụ Đồ Chiểu.