Chuẩn bị kịch bản tiêm chủng
Phát biểu trong cuộc họp ngày 2/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian cách ly tại nhà, BN1342 đã tự ý bỏ ra ngoài. Cụ thể, người này đi ăn trưa ngày 21/11 và tới Trường Hutech (Đại học Công nghệ TPHCM) vào ngày 22/11.
“Chúng tôi đánh giá đây là vi phạm rất nghiêm trọng trong cách ly tại khu tập trung và cách ly tại nhà, rất nguy hiểm”, Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Trong thời gian rất ngắn, TPHCM đã lập danh sách tất cả các trường hợp tiếp xúc gần các ca bệnh. Tới sáng 3/12, chưa phát hiện thêm trường hợp nào mắc Covid-19 ngoài các ca đã công bố.
“Quan điểm xuyên suốt và tư tưởng chủ đạo của Chính phủ là làm thế nào để người dân được tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19 sớm nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất”, Bộ trưởng Long nói.
Trước bối cảnh này, Bộ Y tế đang chuẩn bị kế hoạch và kịch bản tiêm chủng cho người dân. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng thảo luận để đảm bảo vắc-xin cung ứng và sử dụng cho người dân đảm bảo tính an toàn, hiệu quả.
Khó có “Đà Nẵng thứ hai”
Chia sẻ về các ca mắc Covid-19 mới, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhận định, nếu giao phó việc cách ly cho những người “không chuyên nghiệp”, chắc chắn sẽ tồn tại nhiều lỗ hổng. Yếu tố quan trọng là, có thể sẽ xuất hiện những trường hợp mắc Covid-19 do sự lây lan trong khu cách ly.
Bên cạnh đó, cần đặt ra vấn đề rằng, khi một người nào đó được về nhà tự cách ly dù chưa đủ 14 ngày, việc giám sát họ sẽ như thế nào? Bác sĩ Khanh lưu ý, lỗ hổng nghiêm trọng khác chính là những cá nhân không tuân thủ quy định cách ly.
Dự đoán về tình hình dịch bệnh hiện tại, bác sĩ Khanh cho rằng, rất khó có khả năng TPHCM sẽ trở thành Đà Nẵng thứ hai. Lý do là bởi, chúng ta đã biết được F0. Bên cạnh đó, thời gian F0 ở ngoài môi trường không quá lâu. Từ đó, giúp phát hiện F1.
Chuyên gia này cho rằng, cần tùy theo tình hình, nếu không ghi nhận ca mắc mới trong 2 tuần tới, người dân không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, bác sĩ Khanh khuyến cáo, mọi người tuyệt đối không được lơ là.
“Việc cách ly cần tính chuyên nghiệp cao. Trong khi đó, tất cả mọi người cần tự bảo vệ mình cũng như người xung quanh. Phải lắng nghe xem mình là yếu tố nguy cơ gì, sau đó thực hiện theo hướng dẫn. Điều quan trọng là chấp hành nghiêm chỉnh như đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, hạn chế tiếp xúc...”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), chia sẻ: “Việc kiểm soát đại dịch phải dựa vào khoa học. Nếu không hiểu virus sẽ không thể chống được dịch. Dù chúng ta kiểm soát dịch tốt, nhưng thế giới vẫn lây lan đại dịch mỗi ngày, việc xuất hiện ca nhiễm cộng đồng sẽ rất khó tránh khỏi”.
Học cách sống chung với đại dịch
Bác sĩ Phúc lý giải, một số virus gây bệnh mãn tính, nghĩa là tồn tại suốt cuộc đời con người. Một số virus mãn tính gây ra các bệnh như: HIV, viêm gan B, viêm gan C và E. Ngược lại, một số virus gây bệnh cấp tính. Điều này đồng nghĩa rằng, virus có tuổi thọ rất ngắn, thường khoảng 4 tuần từ khi xâm nhập vào cơ thể. Covid-19 là căn bệnh gây ra bởi virus cấp tính.
Do đó, virus cấp tính không thể tồn tại lâu trong cơ thể người, tối đa từ 2 - 3 tháng. Đa số virus cấp tính có thời gian ủ bệnh trong vòng 2 tuần, khởi phát. Sau đó, virus bắt đầu giảm mạnh sau 2 tuần.
“Với một bệnh nhân Covid-19, virus sẽ chỉ tồn tại thời gian ngắn trong cơ thể, sau đó bị xóa sổ. Thời gian virus tồn tại cũng phụ thuộc vào hệ miễn dịch. Nếu chức năng miễn dịch rất mạnh, virus sẽ bị tiêu diệt trong hai tuần”, bác sĩ Phúc lý giải. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch yếu, virus có thể bị tiêu diệt trong bốn tuần. Với người có chức năng miễn dịch kém, phải mất 2 - 3 tháng để tiêu diệt virus.
Trong khi đó, điều đáng ngại là Covid-19 có thể không gây triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ không rõ ràng. Vì vậy, nhiều bệnh nhân trong cộng đồng không được phát hiện. Từ đó, tạo cơ hội để bệnh lây lan.
“Tôi cho rằng, thời điểm này, Covid-19 đang âm thầm tồn tại trong cộng đồng. Nếu không có vắc-xin đủ mạnh và nhiều để tiêm chủng cho tất cả mọi người, không thể hi vọng virus này biến mất hoàn toàn”, bác sĩ Phúc nhận định.
Cụ thể, trước khi loài người đạt được miễn dịch bầy đàn, Covid-19 vẫn luôn tồn tại. Bác sĩ Phúc dẫn chứng, trong trường hợp không có vắc-xin hữu hiệu để tiêm chủng toàn cầu, các nhà dịch tễ tại Đại học Harvard ước tính, nếu tiếp tục lây nhiễm như hiện nay, các thành phố lớn ở Mỹ có thể đạt miễn dịch 50% vào năm 2025.
“Đã đến lúc chúng ta phải chuẩn bị tâm lý cho sự tồn tại lâu dài của dịch bệnh Covid-19, tìm cách sống chung với nó thay vì sợ hãi và bỏ chạy”, bác sĩ Trần Văn Phúc nhấn mạnh.