Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science đã phát hiện ra rằng các tế bào miễn dịch gọi là tế bào T nhận ra các virus cảm lạnh thông thường, đồng thời nhận ra các vị trí cụ thể trên SARS-CoV-2, bao gồm các phần của protein "gai" mà nó sử dụng để liên kết và xâm nhập vào các tế bào của con người.
"Bộ nhớ" của hệ thống miễn dịch này có thể giải thích tại sao một số người bị nhiễm Covid-19 nhẹ hơn so với những người khác, tuy nhiên, các tác giả nhấn mạnh rằng giả thuyết này "có tính suy đoán cao" và cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận.
Họ vẫn chưa biết chính xác vai trò của tế bào T trong việc chống lại Covid-19, bởi tế bào T chỉ là một phần của nhóm phân tử và tế bào phức tạp tạo nên hệ thống miễn dịch của chúng ta.
"Hiện tại, chúng tôi đã chứng minh được rằng, ở một số người, bộ nhớ tế bào T có từ các lần chống lại virus cảm thông thường trước đây có thể phát hiện ra được SARS-CoV-2, chính xác xuống đến tận các cấu trúc phân tử", đồng tác giả dẫn đầu nghiên cứu Daniela Weiskopf, Trợ lý Giáo sư tại Viện Miễn dịch La Jolla ở California cho biết.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng có tới 50% số người chưa từng tiếp xúc với Covid-19 có các tế bào T nhận ra được virus SARS-CoV-2. Khả năng này đã được nhìn thấy ở mọi người trên khắp thế giới, ở Hà Lan, Đức, Vương quốc Anh và Singapore.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, khả năng miễn dịch hiện có này có thể là do trước đây đã từng bị nhiễm các loại virus Corona khác, đặc biệt là những loại gây nhiễm trùng cảm lạnh thông thường.
Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu máu được thu thập từ người trong giai đoạn 2015 - 2018, trước khi Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Các mẫu máu này chứa các tế bào T phản ứng với hơn 100 vị trí cụ thể trên SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu cho thấy, những tế bào T này cũng phản ứng với các vị trí tương tự trên bốn loại virus Corona khác nhau gây ra nhiễm trùng cảm lạnh thông thường.
Một trong những tác giả của nghiên cứu trên, nhà khoa học Alessandro Sette làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vắc-xin và bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Miễn dịch La Jolla (Mỹ) cho biết: "Những gì chúng tôi đã phát hiện đó là trong số những người chưa từng phơi nhiễm SARS-CoV-2, có khoảng 50% trường hợp có khả năng tạo ra phản ứng tế bào T chống lại virus".
Có 3 loại tế bào T được cơ thể sản sinh ra sau khi bị nhiễm virus để có thể giúp cơ thể chúng ta chống lại sự nhiễm bệnh trong tương lai từ khi virus này tái xâm nhập. Một trong những tế bào T này giúp cơ thể dễ dàng nhận diện kẻ xâm nhập này trong trường hợp chúng lại "gõ cửa", trong khi tế bào T khác truy tìm và phá hủy các tế bào chủ bị nhiễm bệnh và tế bào T còn lại hỗ trợ cơ thể phòng bệnh theo những cách khác.
Các nhà khoa học lưu ý rằng, những phát hiện của họ về phản ứng chéo với các tế bào T khác với những gì đã thấy ở các kháng thể trung hòa - một vũ khí khác của hệ thống miễn dịch ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm tới các tế bào.
Theo các nghiên cứu trước đây, các kháng thể trung hòa chống lại các loại virus cảm lạnh thông thường là đặc hiệu của các loại virus này và không cho thấy phản ứng chéo với SARS-CoV-2.